11:50 - 24/12/2024

Người trực tiếp kiểm nghiệm thuốc thú y phải đáp ứng yêu cầu gì?

Việc kiểm nghiệm thuốc thú y là một quá trình quan trọng để đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Nội dung chính

    Kiểm nghiệm thuốc thú y là gì?

    Căn cứ Điều 101 Luật Thú y 2015 quy định kiểm nghiệm thuốc thú y như sau:

    - Thuốc thú y phải được kiểm nghiệm đạt chất lượng trước khi đăng ký lưu hành tại Việt Nam và được thực hiện tại cơ sở kiểm nghiệm thuốc thú y được chỉ định.

    - Kiểm nghiệm thuốc thú y được thực hiện theo tiêu chuẩn chất lượng của cơ sở sản xuất đăng ký.

    - Điều kiện đối với cơ sở kiểm nghiệm thuốc thú y:

    + Có địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp;

    + Người quản lý hoặc trực tiếp kiểm nghiệm phải có Chứng chỉ hành nghề thú y.

    - Quyền và nghĩa vụ của cơ sở kiểm nghiệm thuốc thú y:

    + Có quyền từ chối tiếp nhận mẫu nếu không đạt yêu cầu về số lượng, bảo quản, hồ sơ kèm theo;

    + Được cung cấp thông tin liên quan đến mẫu kiểm nghiệm;

    + Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm nghiệm đối với mẫu thuốc thú y đã kiểm nghiệm;+ Chỉ cung cấp thông tin kết quả, hồ sơ kiểm nghiệm khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

    + Bồi thường theo quy định của pháp luật cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do kết quả kiểm nghiệm sai.

    - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết về kiểm nghiệm thuốc thú y.

    Người trực tiếp kiểm nghiệm thuốc thú y phải đáp ứng yêu cầu gì?

    Người trực tiếp kiểm nghiệm thuốc thú y phải đáp ứng yêu cầu gì? (Hình từ Internet)

    Người trực tiếp kiểm nghiệm thuốc thú y phải có Chứng chỉ gì để đáp ứng điều kiện sản xuất thuốc thú y?

    Căn cứ khoản 5 Điều 90 Luật Thú y 2015 quy định điều kiện sản xuất thuốc thú y như sau:

    Điều kiện sản xuất thuốc thú y
    Tổ chức, cá nhân sản xuất thuốc thú y phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
    1. Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
    2. Có địa điểm, nhà xưởng, kho thuốc bảo đảm diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường;
    3. Có trang thiết bị phù hợp với quy mô sản xuất, kiểm tra chất lượng đối với từng loại thuốc thú y;
    4. Có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
    5. Người trực tiếp quản lý sản xuất, kiểm nghiệm thuốc thú y phải có Chứng chỉ hành nghề thú y về sản xuất, kiểm nghiệm thuốc thú y;
    6. Người trực tiếp sản xuất thuốc thú y phải được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn phù hợp;
    7. Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y.

    Theo đó, người trực tiếp kiểm nghiệm thuốc thú y phải có Chứng chỉ hành nghề thú y về kiểm nghiệm thuốc thú y.

    Cơ sở sản xuất thuốc thú y có quyền và nghĩa vụ như thế nào?

    Căn cứ Điều 91 Luật Thú y 2015, cơ sở sản xuất thuốc thú y có quyền và nghĩa vụ như sau:

    - Cơ sở sản xuất thuốc thú y có quyền sau đây:

    + Sản xuất thuốc thú y đã có Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y tại Việt Nam;

    + Nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu thuốc thú y để sản xuất, tái xuất theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài; nhượng quyền theo hợp đồng;

    + Thông tin, quảng cáo thuốc thú y theo quy định của pháp luật về quảng cáo;

    + Các quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

    - Cơ sở sản xuất thuốc thú y có nghĩa vụ sau đây:

    + Sản xuất thuốc thú y đúng tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở sản xuất thuốc thú y công bố;

    + Tuân thủ quy định về kiểm nghiệm, bảo quản, phân phối thuốc thú y và thực hành tốt sản xuất;

    + Chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc thú y do cơ sở mình gây ra và chỉ được phép lưu hành thuốc thú y đạt chất lượng trên thị trường;

    + Lưu giữ mẫu thuốc thú y theo từng lô sản xuất trong thời hạn ít nhất 06 tháng, kể từ ngày thuốc thú y hết hạn sử dụng;

    + Theo dõi thuốc thú y do cơ sở mình sản xuất, khi phát hiện thuốc không bảo đảm yêu cầu theo quy định thì thông báo và thu hồi ngay toàn bộ thuốc thú y đó đang lưu hành trên thị trường;

    + Phải bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở mình gây ra theo quy định của pháp luật;

    + Cung cấp tài liệu cần thiết cho việc thanh tra, kiểm tra và đánh giá toàn bộ hoạt động sản xuất thuốc thú y theo quy định của pháp luật;

    + Chủ cơ sở sản xuất thuốc thú y phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng, phòng ngừa tác dụng không mong muốn do thuốc thú y gây ra khi sử dụng; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho người trực tiếp sản xuất thuốc thú y;

    + Chấp hành, thực hiện quy định của pháp luật khác về phòng, chống cháy nổ, hóa chất, an toàn lao động, môi trường.

    18