08:05 - 17/09/2024

Người thi tuyển công chức sẽ không phải thực hiện thi vòng 1 từ ngày 01/08/2024 đúng không?

Người thi tuyển công chức sẽ không phải thực hiện thi vòng 1 từ ngày 01/08/2024 đúng không? Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong bao lâu? Cơ quan quyết định thành lập Hội đồng kiểm định để tổ chức việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là ai?

Nội dung chính

    Người thi tuyển công chức sẽ không phải thực hiện thi vòng 1 từ ngày 01/08/2024 đúng không?

    Căn cứ Điều 12 Nghị định 06/2023/NĐ-CP quy định như sau:

    Điều khoản chuyển tiếp
    1. Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
    2. Kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

    Như vậy, từ ngày 01 tháng 8 năm 2024, người thi tuyển công chức sẽ không phải thực hiện thi vòng 1. Thay vào đó, người thi tuyển công chức phải đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào.

     

    Người thi tuyển công chức sẽ không phải thực hiện thi vòng 1 từ ngày 01/08/2024 đúng không? (Hình từ Internet)

    Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong bao lâu?

    Khoản 1 Điều 10 Nghị định 06/2023/NĐ-CP  quy định về giá trị sử dụng của kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức như sau:

    Sử dụng kết quả kiểm định
    1. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn kết quả kiểm định còn giá trị, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển công chức ở các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này trong phạm vi toàn quốc.
    2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng công chức căn cứ kết quả kiểm định công chức để quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức và tổ chức thi vòng 2 đối với người đạt kết quả kiểm định theo quy định tại khoản 2 Điều 8 và điểm a, điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (sau đây gọi là Nghị định số 138/2020/NĐ-CP).
    3. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên được phép sử dụng thay thế kết quả kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ thấp hơn khi đăng ký dự tuyển công chức phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.
    ...

    Theo đó, kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.

    Cơ quan quyết định thành lập Hội đồng kiểm định để tổ chức việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là ai?

    Tại Điều 8 Nghị định 06/2023/NĐ-CP  quy định về Hội đồng kiểm định để tổ chức việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức như sau:

    Hội đồng kiểm định
    1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập Hội đồng kiểm định để tổ chức việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức (sau đây gọi là Hội đồng kiểm định). Hội đồng kiểm định có 07 hoặc 09 thành viên, bao gồm:
    a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Nội vụ.
    b) Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo bộ phận tham mưu về công tác kiểm định của Bộ Nội vụ.
    c) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng đại diện bộ phận tham mưu về công tác kiểm định của Bộ Nội vụ.
    d) Các ủy viên khác do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định.
    2. Hội đồng kiểm định làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp số ý kiến bằng nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng kiểm định chất lượng đầu vào công chức có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
    a) Thành lập các bộ phận giúp việc: Ban kiểm tra Phiếu đăng ký dự kiểm định, Ban coi thi, Ban Thư ký.
    b) Tổ chức thu chi phí tổ chức kiểm định và sử dụng chi phí tổ chức kiểm định theo quy định.
    c) Kiểm tra Phiếu đăng ký dự kiểm định, tổ chức kiểm định theo nội quy, quy chế.
    d) Báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức quyết định công nhận kết quả kiểm định.
    đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức kiểm định.
    e) Hội đồng kiểm định tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
    3. Không bố trí những người có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người đăng ký kiểm định hoặc của bên vợ (chồng) của người đăng ký kiểm định; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người đăng ký kiểm định; những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng kiểm định, thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng kiểm định.

    Căn cứ quy định trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập Hội đồng kiểm định để tổ chức việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

    32