10:43 - 05/04/2025

Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện là ngày nào? Người lao động có được nghỉ vào ngày toàn dân hiến máu tình nguyện hay không?

Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vậy ngày toàn dân hiến máu tình nguyện là ngày nào? Người lao động có được nghỉ vào ngày này hay không?

Nội dung chính

Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện là ngày nào?

Từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 43/2000/QĐ-TTg về thực hiện vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện; đồng thời lấy ngày 7/4 hàng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện.

Như vậy tại Việt Nam, ngày toàn dân hiến máu tình nguyện là ngày 7 tháng 4.

Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4/2025 rơi vào thứ 2 và cũng là kỷ niệm 25 năm của ngày này (7/4/2000 - 7/4/2025)

Đồng thời vào ngày 7/4/2025 cũng là ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch.

Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện là ngày nào? Người lao động có được nghỉ vào ngày này hay không?

Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện là ngày nào? Người lao động có được nghỉ vào ngày này hay không? (Hình từ Internet) 

Hiến máu tình nguyện có ý nghĩa và lợi ích gì?

Hiến máu cứu người không chỉ là một hành động nhân đạo mang ý nghĩa sâu sắc, mà còn là biểu hiện cao đẹp của tinh thần sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng.

Khi hiến máu, mỗi người đã góp phần mang lại sự sống cho những bệnh nhân đang cần được truyền máu để vượt qua những cơn nguy kịch, từ đó trao đi hy vọng sống cho họ và người thân của họ.

Đặc biệt, hiến máu cứu người không chỉ mang lại lợi ích cho người nhận mà còn có nhiều lợi ích thiết thực cho chính người hiến. Cụ thể:

- Tạo tinh thần tích cực và thoải mái: Khi làm điều tốt, con người sẽ cảm thấy vui vẻ, thanh thản, từ đó duy trì tâm trạng tích cực và giảm căng thẳng trong cuộc sống.

- Được kiểm tra và tư vấn sức khỏe định kỳ: Trước khi hiến máu, người hiến máu được kiểm tra huyết áp, nhịp tim, lượng hemoglobin... giúp phát hiện sớm một số vấn đề sức khỏe nếu có.

- Giúp giảm sắt và kích thích tạo máu mới: Việc hiến máu đều đặn giúp giảm lượng sắt dư thừa trong cơ thể, yếu tố có thể liên quan đến bệnh tim mạch, đồng thời thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào máu mới.

- Giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim: Một số nghiên cứu cho thấy hiến máu định kỳ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

- Hỗ trợ kiểm soát cân nặng: Mỗi lần hiến máu, cơ thể tiêu hao một lượng calo đáng kể (khoảng 650 calo với mỗi 450ml máu), từ đó góp phần hỗ trợ quá trình giảm cân nếu được thực hiện hợp lý.

- Không chỉ vậy, người hiến máu còn được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện, có giá trị như một “ngân hàng máu” cá nhân. Trong trường hợp cần truyền máu trong tương lai, người đã hiến máu có thể được bồi hoàn máu miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc.

Điều kiện để tham gia hiến máu tình nguyện là gì?

(1) Điều kiện đối với người hiến máu

- Độ tuổi: Từ 18 đến 60 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và tự nguyện tham gia hiến máu để cứu chữa người bệnh.

- Cân nặng tối thiểu:

+ Nữ: từ 42kg trở lên

+ Nam: từ 45kg trở lên

- Lượng máu được hiến mỗi lần không vượt quá 9ml/kg cân nặng, tối đa là 500ml/lần

- Tình trạng sức khỏe:

+ Huyết áp, mạch đập ổn định theo tiêu chuẩn của bác sĩ kiểm tra trước hiến máu

+ Không có các triệu chứng bất thường như sốt, ho, mệt mỏi hoặc đang mắc bệnh cấp tính

- Thời gian giữa hai lần hiến máu:

Tối thiểu là 12 tuần (3 tháng) đối với cả nam và nữ

(2) Những trường hợp không đủ điều kiện hiến máu

- Người mắc các bệnh mãn tính hoặc cấp tính như:

- Tim mạch, gan, phổi, thận, ung thư, tiểu đường, các bệnh về máu

- Người nhiễm các bệnh lây truyền qua máu và tình dục:

- HIV/AIDS, viêm gan B - C, giang mai, sốt rét,...

- Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mới sinh con chưa đủ 6 tháng

(3) Lưu ý khi đi hiến máu

- Mang theo giấy tờ tùy thân có ảnh (CMND/CCCD hoặc giấy tờ thay thế hợp lệ)

- Nên ăn nhẹ, tránh ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ trước khi hiến máu

- Không uống rượu bia, chất kích thích trước khi hiến máu

- Sau khi hiến máu nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và tránh vận động mạnh trong ngày

Việc tuân thủ đầy đủ các điều kiện và lưu ý trên sẽ giúp quá trình hiến máu diễn ra an toàn, hiệu quả và mang lại giá trị thiết thực cho cả cộng đồng.

Người lao động có được nghỉ vào ngày toàn dân hiến máu tình nguyện hay không?

Theo Điều 112 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 112 Bộ luật lao động 2019.

Như vậy, theo quy định trên, ngày toàn dân hiến máu tình nguyện không thuộc vào các ngày người lao động được nghỉ lễ, tết.

Tuy nhiên ngày toàn dân hiến máu tình nguyện năm nay 7/4/2025 trùng với ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 do đó người lao động sẽ được nghỉ hưởng lương vào ngày này.

saved-content
unsaved-content
71