Rét nàng Bân trong tháng 3 là ngày nào? Tại sao gọi là rét nàng Bân?
Nội dung chính
Rét nàng Bân trong tháng 3 là ngày nào?
Rét nàng Bân là một hiện tượng thời tiết đặc trưng, thường xuất hiện vào khoảng đầu đến giữa tháng 3 dương lịch, tức khoảng từ ngày 3 - 15/3 âm lịch. Đây là đợt rét muộn cuối cùng của mùa đông trước khi bước vào mùa hè.
Theo thống kê khí tượng, Rét nàng Bân xảy ra do ảnh hưởng của những đợt không khí lạnh cuối mùa, mang đến thời tiết se lạnh, thậm chí có nơi nhiệt độ giảm xuống dưới 13 độ C. Tuy nhiên, đợt rét này thường kéo dài ngắn, khoảng từ 3 - 7 ngày.
Ở miền Bắc Việt Nam, Rét nàng Bân xuất hiện vào tháng 3, khi nhiệt độ đã có xu hướng tăng nhưng vẫn còn những đợt gió lạnh bất chợt. Người dân thường nhận biết đợt rét này qua cảm giác lạnh rõ rệt vào sáng sớm và ban đêm, trong khi ban ngày có nắng nhẹ nhưng vẫn se lạnh.
Với đặc điểm xuất hiện muộn, Rét nàng Bân có ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là trong nông nghiệp. Cây trồng có thể bị ảnh hưởng do nhiệt độ giảm đột ngột, nhất là các loại cây trồng vụ xuân. Vì vậy, người dân cần theo dõi dự báo thời tiết để có biện pháp bảo vệ cây trồng và vật nuôi trong những ngày rét này.
Rét nàng Bân là ngày nào trong tháng 3? Tại sao gọi là rét nàng Bân? (Hình từ Internet)
Tại sao gọi là rét nàng Bân?
Rét nàng Bân có nguồn gốc từ một sự tích dân gian Việt Nam kể về nàng Bân, nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng, nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng vẫn được cha mẹ yêu chiều. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình. Chồng nàng Bân cũng là một người "nhà trời".
Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng định tâm may cho chồng một cái áo ngự hàn. Nhưng nàng vụng về quá, khi bắt đầu rét, nàng Bân đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, tìm được cái nọ thì thiếu cái kia, xe được chỉ thì chưa có kim, đưa sợi vào dệt thì thoi, suốt lại hỏng. Đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà chỉ mới may trọn được đôi cổ tay… Nhưng nàng Bân vẫn không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng buồn lắm.
Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng gạn hỏi. Khi biết chuyện, Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo. Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân”.
Sự tích này thể hiện tình cảm chân thành, sự tận tụy và tình yêu thương mà Nàng Bân dành cho chồng. Đồng thời, câu chuyện cũng giải thích hiện tượng rét muộn cuối mùa đông ở miền Bắc nước ta.
Về mặt khoa học, Rét nàng Bân thực chất là một đợt không khí lạnh cuối mùa với cường độ yếu, xảy ra khi mùa đông sắp kết thúc. Nó được xem là dấu hiệu báo mùa hè sắp đến.
Ngày nay, người dân vẫn nhắc đến Rét nàng Bân như một hiện tượng thời tiết quen thuộc, gắn liền với sự tích dân gian ý nghĩa về tình yêu và lòng tận tâm.
Rét nàng Bân là hiện tượng rét hại có phải không?
Rét nàng Bân xuất hiện do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống (tức gió mùa Đông Bắc). Rét nàng Bân thường kèm theo mưa nhỏ, mưa phùn do không khí lạnh đưa hơi nước từ biển vào.
Căn cứ tại khoản 18 Điều 5 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành như sau:
Điều 5. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
18. Rét hại là hiện tượng thời tiết khi nhiệt độ không khí trung bình ngày xuống dưới 13 độ C.
...
Như vậy, rét nàng Bân có mưa nhỏ, mưa phùn do không khí lạnh ảnh hưởng từ gió mùa Đông Bắc đưa hơi nước từ biển vào mà nhiệt độ xuống dưới 13 độ C thì có thể được coi là hiện tượng rét hại.