Nên làm gì khi cây xăng gian lận?
Nội dung chính
Nên làm gì khi cây xăng gian lận?
Theo Khoản 3 Điều 17 Nghị định 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí có quy định như sau:
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định;
b) Bán cao hơn giá niêm yết do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định.
Ngoài ra, còn có thể bị xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng (Khoản 4 Điều 17 Nghị định 67/2017/NĐ-CP ) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định khoản 3 Điều này (Khoản 5 Điều 17 Nghị định 67/2017/NĐ-CP).
Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm còn có thể bị phạt tù về tội Lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Căn cứ Luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, khách hàng bị cây xăng gian lận một hay nhiều lần, dù thiệt hại ít hơn hay lớn hơn 2 triệu đồng đều có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng cách khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, bạn có thể khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để yêu cầu cây xăng đó bồi thường thiệt hại.
Có thể lựa chọn những cách sau:
- Thông qua các Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, các Văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng ở địa phương để khiếu nại đến tổ chức, cá nhân gian lận xăng hoặc khiếu nại lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Khiếu nại lên các cơ quan quản lý nhà nước: Sở Thương mại/Sở Thương mại và Du lịch các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý cạnh tranh; Các cơ quan chuyên ngành có liên quan (Cục Quản lý thị trường, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Cục Xúc tiến thương mại…).
- Cũng có thể khởi kiện vụ việc ra cơ quan toà án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp có đủ căn cứ xác đáng và tổ chức, cá nhân gian lận xăng không giải quyết thỏa đáng quyền lợi hợp pháp của mình.