Năm Ất Tỵ 2025 có tới 384 ngày? Lịch nghỉ Tết chính thức năm Ất Tỵ 2025
Nội dung chính
Năm Ất Tỵ 2025 có tới 384 ngày?
Dương lịch, hiện được sử dụng phổ biến trên toàn cầu, dựa trên chu kỳ quay của Trái Đất quanh Mặt Trời, kéo dài khoảng 365,2422 ngày. Để bù đắp cho phần lẻ này, Dương lịch áp dụng quy tắc năm nhuận, cứ sau bốn năm lại thêm một ngày, nâng tổng số ngày của năm nhuận lên 366.
Ngược lại, Âm lịch được xây dựng dựa trên chu kỳ tròn khuyết của Mặt Trăng. Một tháng âm lịch, còn gọi là tháng sóc vọng, có độ dài trung bình khoảng 29,53 ngày. Vì thế, một năm âm lịch thông thường chỉ kéo dài 354 hoặc 355 ngày, ngắn hơn năm dương lịch khoảng 11 ngày.
Để giảm thiểu sự chênh lệch này và đảm bảo các tháng âm lịch phù hợp với chu kỳ bốn mùa trong năm hồi quy (chu kỳ quay thực tế của Trái Đất quanh Mặt Trời), Âm lịch áp dụng phương pháp thêm tháng nhuận. Quy tắc này được tính dựa trên các tiết khí – một hệ thống gồm 24 tiết phân chia theo chu kỳ thời tiết. Trong đó, 12 tiết khí chính (gọi là trung khí) được phân bố theo thứ tự chẵn, bắt đầu từ Lập xuân (như Vũ Thủy, Xuân Phân, Cốc Vũ,...). Tháng âm lịch đầu tiên sau Đông chí mà không chứa trung khí sẽ được chọn làm tháng nhuận.
Một năm âm lịch nhuận sẽ có 13 tháng, kéo dài khoảng 384 ngày. Trong chu kỳ 19 năm, có 7 năm âm lịch nhuận. Điều này lý giải cho câu nói "mười chín năm bảy nhuận".
Năm 2024 theo dương lịch là năm nhuận, với tổng cộng 366 ngày, trong khi năm Giáp Thìn âm lịch là năm thường với 354 ngày. Năm dương lịch khi đó dài hơn âm lịch 12 ngày. Sang năm 2025, dương lịch có 365 ngày (năm thường), trong khi năm Ất Tỵ âm lịch là năm nhuận, có thêm một tháng 6 nhuận, kéo dài tới 384 ngày – dài hơn dương lịch 19 ngày.
Một cách đơn giản để xác định năm nhuận âm lịch là chia năm đó cho 19. Nếu số dư rơi vào các số: 0, 3, 6, 9, 11, 14, hoặc 17, năm đó sẽ có tháng nhuận.
Việc thêm tháng nhuận không chỉ giúp lịch Âm bám sát chu kỳ tròn khuyết của Mặt Trăng mà còn đảm bảo các mùa và tiết khí không bị lệch xa so với thực tế. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lịch Âm sao cho phù hợp với nông nghiệp, các lễ hội, và hoạt động văn hóa truyền thống.
(Nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo)
Năm Ất Tỵ 2025 có tới 384 ngày? Lịch nghỉ Tết chính thức năm Ất Tỵ 2025 (Hình từ Internet)
Lịch nghỉ Tết chính thức năm Ất Tỵ 2025
Ngày 03/12/2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (công chức, viên chức) sẽ được nghỉ Tết Âm năm Ất Tỵ 2025 từ thứ Bảy, ngày 25/1/2025 dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật, ngày 2/2/2025 dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Đối với người lao động không thuộc các đối tượng nêu trên, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ tết Âm lịch như sau:
- Đối với dịp nghỉ tết Âm lịch: lựa chọn 01 ngày cuối năm Giáp Thìn và 04 ngày đầu năm Ất Tỵ hoặc 02 ngày cuối năm Giáp Thìn và 03 ngày đầu năm Ất Tỵ hoặc 03 ngày cuối năm Giáp Thìn và 02 ngày đầu năm Ất Tỵ.
- Thông báo phương án nghỉ tết Âm lịch năm 2025 cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
- Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ tết năm Ất Tỵ 2025 cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.
Người lao động được nghỉ hằng năm bao nhiêu ngày?
Căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ hằng năm như sau:
- Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
+ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
+ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
- Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
- Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019.
- Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều 113 Bộ luật Lao động 2019.