13:59 - 07/01/2025

Mức phạt lỗi đè vạch kẻ liền trong năm 2025 theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP

Mức phạt lỗi đè vạch kẻ liền trong năm 2025 theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Có các loại vạch kẻ liền nào? Người tham gia giao thông đường bộ cần tuân thủ nguyên tắc gì?

Nội dung chính

    Mức phạt lỗi đè vạch kẻ liền trong năm 2025 theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP

    (1) Mức phạt lỗi đè vạch kẻ liền đối với xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô

    Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

    Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
    1. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2; điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm n, điểm o khoản 3; điểm a, điểm b, điểm đ, điểm e, điểm i, điểm k, điểm l khoản 4; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm i, điểm k khoản 5; điểm a khoản 6; khoản 7; điểm b, điểm d khoản 9; điểm a khoản 10; điểm đ khoản 11 Điều này;
    b) Khi ra, vào vị trí dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
    ...

    Như vậy, mức phạt lỗi đè vạch kẻ liền 2025 xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

    (2) Mức phạt lỗi đè vạch kẻ liền đối với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy

    Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

    Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
    1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm d, điểm e khoản 2; điểm a, điểm c, điểm d, điểm h khoản 3; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 4; điểm b, điểm d khoản 6; điểm a, điểm b, điểm c khoản 7; điểm a khoản 8; điểm b khoản 9; điểm a khoản 10 Điều này;
    ....

    Như vậy, mức phạt lỗi đè vạch kẻ liền 2025 xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.

    (3) Mức phạt lỗi đè vạch kẻ liền đối với xe máy chuyên dùng

    Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

    Xử phạt người điều khiển xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
    1. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ khoản 2; điểm a, điểm d, điểm đ khoản 3; khoản 4; điểm a, điểm c khoản 5; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm i khoản 6; điểm c, điểm d khoản 7; điểm a, điểm b khoản 8; điểm đ khoản 9 Điều này;
    ...

    Như vậy, mức phạt lỗi đè vạch kẻ liền 2025 xe máy chuyên dùng sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

    Mức phạt lỗi đè vạch kẻ liền trong năm 2025 theo Nghị định 168/2024/NĐ-CPMức phạt lỗi đè vạch kẻ liền trong năm 2025 theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Hình từ Internet)

    Có các loại vạch kẻ liền nào?

    Căn cứ theo phụ lục G quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT có hiệu lực từ 01/7/2020, có các loại vạch kẻ liền như sau:

    (1) Vạch trắng nét liền

    Có dạng vạch kẻ đơn, màu trắng, nét liền cũng dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Tuy nhiên xe không được phép chuyển làn hoặc sử dụng làn xe khác, không được lấn sang làn xe bên cạnh hay đè lên vạch kẻ đường.

    (2) Vạch vàng nét liền

    Là loại vạch đơn, liền nét, màu vàng (hay còn gọi là vạch 1.2) dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược nhau cho đường có 2 hoặc 3 làn xe và không có dải phân cách ở giữa.

    Khác với vạch kẻ vàng nét đứt, ở những đoạn đường có vạch liền màu vàng, xe không được lấn làn, không được đè vạch. Vạch này thường thấy ở những đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ tai nạn giao thông đối đầu lớn.

    (3) Vạch đôi nét liền

    Dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều, xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

    Vạch đôi song song, liền nét, màu vàng, bề rộng nét vẽ b = 15 cm, khoảng cách phía trong hai mép vạch đơn nhỏ nhất là 15 cm; lớn nhất là 50 cm. Nếu khoảng cách hai mép phía trong của các vạch đơn lớn hơn 50 cm thì sử dụng vạch kênh hóa dòng xe dạng gạch chéo, màu vàng.

    Người tham gia giao thông đường bộ cần tuân thủ nguyên tắc gì để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông?

    Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định cụ thể tại Điều 3 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, cụ thể như sau:

    - Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    - Bảo đảm giao thông đường bộ được trật tự, an toàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; phòng ngừa vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tai nạn giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân và tài sản của cơ quan, tổ chức.

    - Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    - Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan, có trách nhiệm giữ an toàn cho mình và cho người khác.

    - Mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

    - Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải công khai, minh bạch và thuận lợi cho người dân.

    - Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

    416