Mua xe bằng hợp đồng miệng có bị vô hiệu không?
Nội dung chính
Mua xe bằng hợp đồng miệng có bị vô hiệu không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 thì:
Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Theo đó, Điều 10 Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định hình thức của hợp đồng mua bán xe như sau:
"Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực."
Vậy nên, hợp đồng mua bán xe phải được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.
Điều 129 Bộ luật dân sự 2015 nêu rõ: Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu trừ trường hợp sau đây:
1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Đối chiếu trường hợp của bạn, hợp đồng mua bán xe bằng miệng của bạn về nguyên tắc sẽ vô hiệu về mặt hình thức theo quy định này. Tuy nhiên, cần xét trên thực tế các bên đã thực hiện giao dịch đến đâu, nếu một bên hoặc cả 2 bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ thì nếu các bên yêu cầu Tòa án công nhận hiệu lực của giao dịch, giao dịch này vẫn có hiệu lực bình thường.