Mua vé trận chung kết AFF Cup 2024 bán lại giá cao có vi phạm pháp luật không?
Nội dung chính
Mua vé trận chung kết AFF Cup 2024 bán lại giá cao có vi phạm pháp luật không?
Vé trận chung kết AFF Cup 2024 giữa đội tuyển Việt Nam và đối thủ đang gây sốt trên thị trường. Dù vé đã hết chỉ sau 30 phút mở bán trực tuyến, thị trường "chợ đen" hiện rao bán vé với giá cao ngất ngưởng, gấp 2-3 lần giá gốc.
Vé "chợ đen" là những vé được mua từ các kênh không chính thức và sau đó bị rao bán lại với mức giá cao hơn nhiều so với giá gốc. Đây là hình thức đầu cơ trục lợi, lợi dụng sự khan hiếm vé và nhu cầu cao của người hâm mộ để kiếm lời. Các đối tượng này không chỉ làm mất cân bằng thị trường mà còn gây khó khăn cho những người hâm mộ chân chính, muốn tham gia trận đấu nhưng không thể mua vé với giá hợp lý.
Cụ thể, vé mệnh giá 500.000 đồng được bán lại với giá khoảng 2,5 triệu đồng/cặp, trong khi vé VIP có giá lên đến 30-40 triệu đồng/cặp. Trận đấu sẽ diễn ra lúc 20h ngày 2/1/2025 trên sân Việt Trì. Người hâm mộ được khuyến cáo chỉ mua vé qua kênh chính thức để tránh rủi ro.
Theo đó, hành vi trên là hành vi niêm yết giá không đúng giá cụ thể do CQNN quy định bị xử lý theo điểm c khoản 1 Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng một trong các hình thức theo quy định của pháp luật;
b) Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng;
c) Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá không thuộc khoản 3 Điều này.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách nhà nước.
Theo đó, điều này có thể áp dụng đối với trường hợp bán vé chợ đen, khi các cá nhân hoặc tổ chức niêm yết và bán vé với giá cao hơn so với giá được quy định hoặc công bố chính thức của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phân phối chính thức quyết định.
Vì vậy, nếu các đối tượng bán vé chợ đen niêm yết giá vé cao hơn nhiều so với giá do Liên đoàn bóng đá Việt Nam công bố thì hành vi này có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Mua vé trận chung kết AFF Cup 2024 bán lại giá cao có vi phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)
Trang phục của cầu thủ khi tham gia AFF Cup 2024 phải thỏa mãn điều kiện nào?
Căn cứ theo Luật IV Phần 1 Luật Bóng đá ban hành kèm theo Quyết định 982-QĐ/UBTDTT năm 2007 quy định trang phục của cầu thủ tham gia AFF Cup 2024 như sau:
(1) Sự an toàn
Cầu thủ không được sử dụng hoặc mang theo những đồ vật có thể gây nguy hiểm cho mình hoặc cho các cầu thủ khác (gồm các loại trang sức…).
(2) Trang phục cơ bản
Cầu thủ trong thi đấu phải mang những trang phục:
- Áo thi đấu.
- Quần đùi - Nếu mặc quần giữ ấm phía trong quần đùi thì phải có mầu cùng với màu quần đùi thi đấu.
- Không được sử dụng trang phục thi đấu áo liền quần.
- Tất dài.
- Bọc ống chân.
- Giầy.
- Cầu thủ không được phép để hở áo mặc lót bên trong in khẩu hiệu, quảng cáo, Cầu thủ vi phạm sẽ bị Ban tổ chức giải phạt.
(3) Bọc ống chân:
- Bọc ống chân phải được bít tất dài phủ kín.
- Bằng nguyên liệu thích hợp như: cao su, plastic hoặc chất liệu tương tự.
- Có khả năng bảo vệ tốt.
(4) Thủ môn:
Thủ môn phải mặc trang phục thi đấu có màu dễ phân biệt với những cầu thủ khác và trọng tài.
(5) Việc cho phép cầu thủ đeo kính thi đấu:
Hội đồng Luật quốc tế cho phép cầu thủ (đặc biệt là cầu thủ trẻ) đeo những loại kính mắt thể thao với kỹ thuật hiện đại, không gây nguy hiểm cho mình và các cầu thủ khác. Các trọng tài cần xem xét đặc tính an toàn của kính để quyết định cho phép hoặc không cho phép cầu thủ đeo kính trong thi đấu.
Lưu ý: Khi vi phạm xử phạt như sau:
- Không cần thiết phải dừng trận đấu.
- Bất cứ cầu thủ nào vi phạm điều luật này sẽ được trọng tài mời ra khỏi sân để chỉnh trang trang phục.
- Khi bóng ngoài cuộc, cầu thủ phải rời sân để chỉnh đốn trang phục trừ trường hợp đã chỉnh trang được trang phục ngay trước đó.
- Nếu đã rời sân để chỉnh đốn trang phục, khi muốn trở lại sân, cầu thủ đó phải được trọng tài cho phép khi bóng ngoài cuộc.
- Trước khi được phép tiếp tục thi đấu, cầu thủ này phải được trọng tài kiểm tra.
- Một cầu thủ bị trọng tài mời ra khỏi sân để chỉnh đốn trang phục, nếu khi trở lại sân không có phép của trọng tài, trọng tài ngưng trận đấu, cảnh cáo cầu thủ đó và trận đấu được tiếp tục bằng quả phạt gián tiếp cho đội đối phương được ảnh hưởng tại nơi có bóng khi trận đấu tạm dừng.
Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia có những trách nhiệm nào?
Căn cứ Điều 4 Quy chế quản lý đội tuyển thể thao quốc gia ban hành kèm theo Quyết định 1377/2004/QĐ-UBTDTT quy định về trách nhiệm của trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia như sau:
(1) Tiến hành các thủ tục triệu tập các đội tuyển thể thao quốc gia theo quyết định của Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao.
(2) Trực tiếp quản lý, giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng thành viên các đội tuyển thể thao quốc gia đang tập huấn.
(3) Tham gia chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, thông qua chương trình huấn luyện tập huấn và thi đấu của các đội tuyển thể thao quốc gia.
(4) Đảm bảo các điều kiện học tập văn hóa, vui chơi, giải trí, sinh hoạt đoàn thể của các thành viên đội tuyển thể thao quốc gia đang tập huấn tại Trung tâm.
(5) Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình Trung tâm phải bảo quản, lưu giữ các tài liệu chuyên môn và trang thiết bị có liên quan đến công việc quản lý, sử dụng vận động viên các đội tuyển thể thao quốc gia.
(6) Tổ chức kiểm tra sư phạm, y học, tâm sinh lý ban đầu và theo định kỳ từng giai đoạn theo chu kỳ huấn luyện. Trường hợp vận động viên không đủ sức khỏe tập luyện thì báo cáo Ủy ban Thể dục thể thao để cho thôi tập huấn.
(7) Phải tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, nhận xét đánh giá từng vận động viên khi kết thúc tập huấn và sau mỗi đợt tập huấn – thi đấu ở nước ngoài hoặc thi đấu ở trong nước và gửi báo cáo đến các đơn vị chức năng có liên quan đến việc quản lý vận động viên.
(8) Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia giao ban với huấn luyện viên các đội tuyển thể thao quốc gia hàng tuần để giải quyết các vấn đề có liên quan đến công tác tập huấn, thi đấu và các vấn đề khác.
(9) Thanh quyết toán đúng thời hạn các chế độ và quyền lợi của các vận động viên theo quyết định của Ủy ban Thể dục thể thao; quan tâm giải quyết các ý kiến, đề nghị, kiến nghị hợp lý của các đội, các vận động viên tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ tập huấn, thi đấu.
(10) Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cư trú.
(11) Khen thưởng những vận động viên đạt thành tích xuất sắc trong tập luyện, thi đấu, xử lý kỷ luật đối với những vận động viên vi phạm nội quy, quy chế theo sự phân cấp của Ủy ban Thể dục thể thao.
Trường hợp đặc biệt liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho vận động viên và giữ nghiêm kỷ luật, căn cứ vào báo cáo của huấn luyện viên trưởng, các phòng chức năng, Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia ký quyết định tạm dừng tập huấn và thống nhất ý kiến với Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao ra quyết định kỷ luật, quyết định thôi tập huấn.