12:00 - 14/11/2024

Lợi dụng quyền tự do ngôn luận để công kích người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Tự do ngôn luận là gì? Lợi dụng quyền tự do ngôn luận để công kích người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Nội dung chính

    Quyền tự do ngôn luận là gì?

    Quyền tự do ngôn luận là quyền của con người được tự do phát biểu ý kiến, suy nghĩ, hoặc bày tỏ quan điểm mà không sợ bị trừng phạt hay cản trở bởi chính quyền hoặc các thế lực khác. Quyền này bao gồm cả việc truyền đạt và tiếp nhận thông tin, và nó được coi là một phần quan trọng của nhân quyền.

    Quyền tự do ngôn luận được quy định rõ ràng tại Điều 25 Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

    Điều này có nghĩa là quyền tự do ngôn luận được thực hiện trong phạm vi mà pháp luật cho phép, đảm bảo không xâm phạm các giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống tốt đẹp của Việt Nam.

    Lợi dụng quyền tự do ngôn luận để công kích người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

    Lợi dụng quyền tự do ngôn luận để công kích người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Hình từ Internet)

    Người lợi dụng quyền tự do ngôn luận để công kích người khác trên mạng xã hội bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

    Căn cứ tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người lợi dụng quyền tự do ngôn luận để công kích người khác như sau:

    1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
    a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
    b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
    c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
    d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
    đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
    ...

    Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định:

    ...
    3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
    ...

    Theo đó, người lợi dụng quyền tự do ngôn luận để công kích người khác sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt.

    Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    Lợi dụng quyền tự do ngôn luận để công kích người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

    Căn cứ tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ như sau:

    Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
    1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
    2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

    Như vậy, người có hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để công kích người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    Người phạm tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận để công kích người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất lên đến 07 năm tù.

    Người bị xâm phạm danh dự nhân phẩm được bồi thường bao nhiêu?

    Căn cứ tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
    a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
    b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
    c) Thiệt hại khác do luật quy định.
    2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

    Như vậy, người chịu trách nhiệm bồi thường sẽ thỏa thuận với người bị xâm phạm về mức bồi thường. Nếu cả hai bên không thỏa thuận được thì mức tối đa cho người chịu trách nhiệm bồi thường là không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

    Căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở do Nhà nước quy định là 1.800.000 đồng/tháng.

    94
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ