Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của học sinh thành phố Đà Nẵng
Nội dung chính
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của học sinh thành phố Đà Nẵng
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 2 Quyết định 1769/QĐ-UBND năm 2024 của UBND Thành phố Đà Nẵng quy định như sau:
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:
1. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị, trường học trực thuộc Sở, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện xây dựng kế hoạch thời gian năm học đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).
b) Thời gian nghỉ hè của giáo viên, bao gồm cả nghỉ phép năm là 08 tuần.
c) Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm (Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản thông báo đến các đơn vị, trường học sau khi có thông báo của UBND thành phố).
…
Theo Công văn 6962/UBND-SGDĐT, lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của học sinh Đà Nẵng tổng cộng 11 ngày, bắt đầu nghỉ từ thứ 5 ngày 23/01/2025 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của học sinh thành phố Đà Nẵng (Hình từ Internet)
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là ngày mấy dương lịch?
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (Tết Âm lịch 2025) sẽ rơi vào các ngày như sau:
- 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn (28 Tết): Thứ hai, ngày 27/01/2025 dương lịch
- 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn (29 Tết): Thứ ba, ngày 28/01/2025 dương lịch
- Mùng 1 tháng Giêng năm Ất Tỵ (Mùng 1 Tết): Thứ tư, ngày 29/01/2025 dương lịch
- Mùng 2 tháng Giêng năm Ất Tỵ (Mùng 2 Tết): Thứ năm, ngày 30/01/2025 dương lịch
- Mùng 3 tháng Giêng năm Ất Tỵ (Mùng 3 Tết): Thứ sáu, ngày 31/01/2025 dương lịch
- Mùng 4 tháng Giêng năm Ất Tỵ (Mùng 4 Tết): Thứ bảy, ngày 01/02/2025 dương lịch
- Mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ (Mùng 5 Tết): Chủ nhật, ngày 02/02/2025 dương lịch
Trường hợp nào học sinh được miễn môn Thể dục?
Căn cứ theo Điều 10 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định các trường hợp được miễn học môn Thể dục như sau:
Đánh giá học sinh được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh
1. Học sinh gặp khó khăn trong học tập do mắc bệnh mãn tính, bị khuyết tật, bị tai nạn hoặc bị bệnh phải điều trị được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
2. Hồ sơ xin miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh gồm có: Đơn xin miễn học của học sinh và bệnh án hoặc giấy chứng nhận thương tật do bệnh viện từ cấp huyện trở lên cấp.
3. Việc cho phép miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh đối với các trường hợp do bị ốm đau hoặc tai nạn chỉ áp dụng trong năm học; các trường hợp bị bệnh mãn tính, khuyết tật hoặc thương tật lâu dài được áp dụng cho cả năm học hoặc cả cấp học. Hiệu trưởng nhà trường cho phép học sinh được miễn học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh theo từng học kì hoặc từng năm học.
...
Theo quy định, học sinh sẽ được miễn môn Thể dục trong trường hợp gặp khó khăn trong học tập do mắc bệnh mãn tính, bị khuyết tật, tai nạn hoặc phải điều trị bệnh. Việc miễn học này áp dụng cho học phần thực hành môn Giáo dục thể chất. Đối với các trường hợp bị ốm đau hoặc tai nạn, việc miễn học chỉ áp dụng trong năm học. Còn đối với các học sinh mắc bệnh mãn tính, khuyết tật hoặc thương tật lâu dài, việc miễn học sẽ được áp dụng trong suốt năm học hoặc cả cấp học.
Mục tiêu của giáo dục phổ thông là gì?
Căn cứ theo Điều 29 Luật Giáo dục 2019, mục tiêu của giáo dục phổ thông cụ thể như sau:
- Giáo dục phổ thông nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Giáo dục tiểu học nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.
- Giáo dục trung học cơ sở nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.
- Giáo dục trung học phổ thông nhằm trang bị kiến thức công dân; bảo đảm cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp; có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.