Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 rơi vào ngày nào trong năm?
Nội dung chính
Lịch nghỉ Tết nguyên đán 2025?
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, ngày nghỉ Tết Âm lịch được quy định như sau:
Nghỉ lễ, Tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
...
b) Tết Âm lịch: 05 ngày
Có thể thấy, theo đúng quy định, người lao động sẽ được nghỉ 05 ngày vào dịp Tết Nguyên đán 2025.
Ngày 22/10, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 như sau:
Tết Nguyên đán năm 2025 công chức, viên chức, người lao động được nghỉ 9 ngày liên tục, gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hằng tuần ( tức từ ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn tới hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Năm 2025, cả 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2025 rơi vào các ngày làm việc trong tuần nên người lao động được nghỉ thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần trước và 2 ngày nghỉ sau nghỉ Tết.
Do vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình phương án công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ được nghỉ từ 25/1 - 2/2/2025 (26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng).
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 (hình ảnh internet)
Đi làm vào Tết nguyên đán 2025 thì tiền lương của người lao động tính như thế nào?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động được nghỉ và hưởng nguyên lương ngày ngày Tết Âm lịch.
Do vậy, trường hợp không nghỉ mà đi làm đúng vào lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2025 thì người lao động sẽ được tính 02 lần lương bao gồm: Lương ngày nghỉ và lương làm thêm giờ khi đi làm.
Theo đó, căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động đi làm ngày Tết được tính lương như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
- Nếu làm việc vào ban ngày: Được trả lương làm thêm giờ = Ít nhất 300% lương ngày làm việc bình thường.
- Nếu làm việc vào ban đêm: Được trả lương làm thêm giờ = Ít nhất 390% lương của ngày làm việc bình thường.
Như vậy, nếu đi làm vào ngày nghỉ lễ Tết thì người lao động sẽ được trả ít nhất 400% lương/ngày nếu làm ban ngày và ít nhất 490% lương nếu làm ban đêm.
Người lao động làm thêm giờ trong Tết thì có được nghỉ bù sau Tết hay không?
Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 đã không còn quy định người lao động được nghỉ bù sau mỗi đợt làm thêm tối đa là 07 ngày liên tục trong tháng.
Thay vào đó, theo quy định hiện hành thì chỉ khi ngày Tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động mới được nghỉ bù. Còn trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025 này, người làm việc sẽ không được nghỉ bù.
Đồng nghĩa là nếu đi làm vào trong những ngày lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 thì người làm việc chỉ được tính lương làm thêm giờ chứ không còn được nghỉ bù vào ngày khác như trước đây.
Mức phạt đối với trường hợp ép người lao động làm thêm trong dịp Tết?
Mức phạt nếu doanh nghiệp ép người lao động làm việc vào dịp nghỉ Tết được căn cứ theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
Đồng thời theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp ép người lao động làm việc vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025 sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.