16:07 - 12/11/2024

Lắp dựng vách kính

Nhà tôi tiến hành sửa chữa mặt tiền nhà. Cầu trúc mặt tiền hiện trạng trước sửa chữa: Vách kính, khung nhôm, rộng 6m cao 18m và đang kinh doanh khách sạn. Do vách kính quá cũ nên tôi tiến hành sửa chữa mà không xin phép tại UBND phường. Ngày 21/11/2011, thanh tra xây dựng phường lập biên bản đối với tôi do đã có hành vi xây dựng không phép (tôi không có nhà để ký vào biên bản) và UBND quận tiến hành xử phạt tôi với mức phạt 15.000.000đ. 1. Tôi không có mặt ký vào biên bản thì biên bản do thanh tra xây dựng phường lập không có hiệu lực. xin hỏi như vậy là đúng hay sai. 2. Theo tôi biết thì việc thay vách kính thì không cần phải xin phép thì làm sao phạt tôi. 3. nếu quý sở cho rằng việc lập biên bản và quyết định phạt tôi là đúng thì xin hướng dẫn cho tôi biết là việc vi phạm của tôi được quy định trong điều khoản nào của pháp luật. Tôi đã có đọc thêm về nghị định 23/2009/NĐ-CP nhưng không thấy có quy định nào về sửa chữa thay vách kính như trường hợp của tôi là vi phạm. Tôi là người luôn chấp hành pháp luật nhưng do thiếu hiểu biết trong luật nên nhờ quý sở xây dựng hướng dẫn thêm để người dân có hiểu biết thêm về pháp luật.

Nội dung chính

    Lắp dựng vách kính

    1/ Căn cứ khoản 2, Điều 55 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) quy định: “Trong trường hợp người vi phạm hành chính cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không có mặt tại địa điểm xảy ra vi phạm thì biên bản được lập xong phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến”. Đồng thời, căn cứ khoản 2, Điều 22 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ quy định: “Việc lập biên bản vi phạm hành chính thuộc trường hợp người vi phạm hành chính cố tình trốn tránh được hiểu là trường hợp tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính người vi phạm không có mặt mà không có lý do chính đáng”.

    Do đó, nếu người vi phạm không có mặt tại địa điểm xảy ra vi phạm và không ký tên vào biên bản thì biên bản được lập xong phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.

    2/ Căn cứ điểm g, khoản 1, Điều 4 quy định về cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định số 68/2010/QĐ-UBND ngày 14/9/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố): “Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình; công trình nâng nền, nâng gác, nâng mái phù hợp tiêu chuẩn xây dựng; xây dựng lại tường bao che bị hư hỏng theo nguyên trạng; công trình gia cố, cải tạo chống nghiêng, lún, nứt không làm thay đổi quy mô diện tích, không ảnh hưởng đến kết cấu”.

    Do đó, nếu đối với công trình nhà ở riêng lẻ chủ đầu tư chỉ sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình thì không phải xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, trước khi khởi công, chủ đầu tư phải thực hiện đăng ký việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo công trình tại Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn nơi tọa lạc công trình để được kiểm tra, theo dõi thi công theo đúng quy định tại Điều 11 Quyết định số 68/2010/QĐ-UBND ngày 14/9/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố.

    3/ Về việc xử phạt đối với chủ đầu tư có hành vi vi phạm các quy định về trật tự xây dựng đề nghị ông (bà) nguyen kien tham khảo theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ.

    2