08:50 - 27/09/2024

Làm gì khi cơ quan công an không giải quyết đơn tố cáo cho dân?

Xin cho tôi hỏi: Tôi có gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an nhưng đã lâu lắm rồi đến nay đã 4 tháng mà không thấy động tĩnh gì thì tôi phải làm gì tiếp theo?

Nội dung chính

    Căn cứ Điều 24 Luật Tố cáo 2018 quy định xử lý ban đầu thông tin tố cáo

    1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

    Trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 29 của Luật này; trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.

    2. Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

    Căn cứ Khoản 2 Điều 9 Nghị định 31/2019/NĐ-CP có nội dung quy định như sau:

    2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết. Thông báo việc thụ lý tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 05, thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo thực hiện theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

    => Như vậy, khi thụ lý đơn tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền phải có nhiệm vụ thông báo bằng văn bản cho bạn về vấn đề thụ lý đơn của bạn.

    Ngoài ra, căn cứ Điều 30 Luật Tố cáo 2018 quy định về thời hạn giải quyết tố cáo như sau:

    Điều 30. Thời hạn giải quyết tố cáo

    1. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.

    2. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.

    3. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

    4. Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

    => Thời hạn giải quyết tố cáo nếu không có gia hạn là 30 ngày.

    Theo những quy định nêu trên, thì việc cơ quan công an không có thông báo gì cho bạn về đơn tố cáo của bạn là không phù hợp với những quy định nêu trên.

    Căn cứ Khoản 9 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 có nội dung như sau:

    Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

    Đồng thời tại Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 cũng quy định:

    1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

    => Như vậy, khi cơ quan có thẩm quyền không giải quyết đơn tố cáo cho bạn thì bạn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính đối với người có thẩm quyền giải quyền tố cáo nhưng đã không thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình.

    Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.

    Trân trọng!

     

    223