Khung năng lực tiếng Việt được dùng để làm gì?
Nội dung chính
Khung năng lực tiếng Việt được dùng để làm gì?
Căn cứ Mục I Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư 17/2015/TT-BGDĐT quy định Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (sau đây gọi là Khung năng lực tiếng Việt, viết tắt: KNLTV) được dùng để:
- Làm căn cứ thống nhất đánh giá năng lực tiếng Việt của người nước ngoài.
- Làm căn cứ xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy; biên soạn hoặc lựa chọn học liệu; xây dựng tiêu chí kiểm tra, đánh giá ở từng cấp học và trình độ đào tạo.
- Làm căn cứ cho giáo viên, giảng viên lựa chọn và triển khai nội dung, cách thức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá nhằm hỗ trợ người học đạt được các yêu cầu của chương trình đào tạo.
- Giúp người học hiểu được nội dung, yêu cầu đối với từng trình độ năng lực tiếng Việt và tự đánh giá năng lực của mình.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi giáo dục, công nhận văn bằng, chứng chỉ với các quốc gia sử dụng Khung tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ (Khung tham chiếu chung Châu Âu, viết tắt: CEFR).
>>Xem thêm: Mô tả chung về kỹ năng viết của khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài gồm nội dung ra sao?
Khung năng lực tiếng Việt được dùng để làm gì? (Hình từ Internet)
Khung năng lực tiếng Việt bậc 6 đánh giá kỹ năng nghe của người nước ngoài như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Mục III Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư 17/2015/TT-BGDĐT Mô tả các kỹ năng nghe của Khung năng lực tiếng Việt bậc 6 để đánh giá kỹ năng nghe của người nước ngoài như sau:
1. Mô tả chung về kỹ năng nghe
- Theo dõi và hiểu được các bài giảng hay thuyết trình chuyên ngành có sử dụng nhiều lối nói thông tục có những yếu tố văn hóa hoặc những thuật ngữ không quen thuộc.
- Hiểu được những vấn đề tinh tế, phức tạp hoặc dễ gây tranh luận (như các quy định, tài chính); thậm chí có thể đạt tới trình độ hiểu biết của nhà chuyên môn.
- Nghe hiểu được mọi điều một cách dễ dàng theo tốc độ nói của người Việt.
2. Nghe hội thoại giữa những người Việt
Hiểu được hầu hết các cuộc hội thoại của người Việt, gồm cả những hội thoại thuộc nội dung chuyên môn được đào tạo.
3. Nghe trình bày và thảo luận
Theo dõi được các bài giảng chuyên ngành, thuyết trình có nhiều từ ngữ thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu hoặc không quen thuộc.
4. Nghe thông báo, hướng dẫn
Hiểu hầu hết các nội dung thông báo, hướng dẫn, gồm cả những nội dung thuộc chuyên môn được đào tạo.
5. Nghe đài và xem truyền hình
Hiểu được hầu hết các nội dung phát trên đài phát thanh và truyền hình, gồm cả những nội dung thuộc chuyên môn được đào tạo.
Quy trình coi thi các kỹ năng trong đánh giá năng lực tiếng Việt (trừ phần nói) như thế nào?
Căn cứ Điều 16 Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT quy định Quy trình coi thi các kỹ năng trong đánh giá năng lực tiếng Việt (trừ phần nói) như sau:
(1) Trước ngày thi ít nhất 01 ngày, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ban Coi thi, thư ký, kỹ thuật viên của Hội đồng thi có mặt tại địa điểm thi để:
- Kiểm tra việc chuẩn bị cho kỳ thi: cơ sở vật chất và các thiết bị, phương tiện phục vụ tổ chức thi;
- Niêm yết danh sách thí sinh dự thi, nội quy phòng thi; niêm phong phòng thi.
(2) Trước giờ thi:
- Giám thị kiểm tra, mở niêm phong phòng thi; đánh số báo danh theo phương án quy định của Trưởng Ban Coi thi; gọi thí sinh vào phòng thi, kiểm tra giấy tờ tùy thân, vật dụng của thí sinh, đối chiếu thí sinh với ảnh chụp tại hồ sơ đăng ký; bảo đảm thí sinh ngồi đúng vị trí theo số báo danh;
- Giám thị nhận đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp, bút từ Trưởng Ban Coi thi hoặc người được Trưởng Ban Coi thi ủy quyền;
- Giám thị ký và ghi tên vào các tờ giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp và phát cho thí sinh; phát bút cho thí sinh, hướng dẫn thí sinh điền các thông tin cần thiết theo quy định vào giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp;
- Khi có hiệu lệnh, giám thị phát đề thi cho từng thí sinh;
- Chủ tịch Hội đồng thi quy định thời gian bắt đầu thi đối với kỹ năng nghe.
(3) Trong thời gian làm bài thi:
- Giám thị giám sát chặt chẽ phòng thi; không cho thí sinh trao đổi, bàn bạc, có hành vi gian lận trong phòng thi; giám thị không được đọc đề thi, không tự ý trao đổi với thí sinh về nội dung đề thi, không cho thí sinh sao chép câu hỏi thi, đề thi bằng bất kỳ hình thức nào;
- Trường hợp cần phải cho thí sinh ra ngoài phòng thi, giám thị chỉ cho từng thí sinh ra ngoài và phải báo cho người làm nhiệm vụ giám sát phòng thi;
- Trường hợp có thí sinh vi phạm quy chế thi, giám thị lập biên bản và báo cáo Trưởng Ban Coi thi để có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời;
- Tại khu vực được Trưởng Ban Coi thi phân công, người làm nhiệm vụ giám sát phòng thi có trách nhiệm giám sát thí sinh, giám thị, giám khảo chấm thi nói và kĩ thuật viên khi vào phòng thi; đồng thời, giám sát thí sinh ra ngoài phòng thi (nếu có), không cho phép thí sinh tiếp xúc với người khác.
(4) Hết giờ làm bài thi:
- Giám thị yêu cầu tất cả thí sinh dừng làm bài ngay khi có hiệu lệnh, lần lượt thu bài thi của từng thí sinh (kiểm tra số tờ giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm của mỗi thí sinh và yêu cầu thí sinh ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi). Chỉ cho thí sinh rời khỏi phòng thi sau khi đã kiểm tra thu đủ số bài thi và đề thi;
- Người làm nhiệm vụ giám sát phòng thi có trách nhiệm: giám sát thí sinh và giám thị, hỗ trợ giữ trật tự phòng thi trong quá trình thu bài thi; giám sát quá trình giám thị mang bài thi từ phòng thi về nộp cho lãnh đạo Ban Coi thi.
(5) Đóng gói, bàn giao bài thi:
- Bài thi của thí sinh và Phiếu thu bài thi được giám thị nộp cho Trưởng Ban Coi thi hoặc người được Trưởng Ban Coi thi ủy quyền để niêm phong. Bên ngoài túi bài thi được niêm phong có chữ ký của các giám thị, giám sát phòng thi và người trực tiếp nhận bài thi;
- Ngay sau khi thi xong, Ban Coi thi có nhiệm vụ bàn giao toàn bộ bài thi và hồ sơ thi đã được niêm phong cho Ban Thư ký.
(6) Bàn giao dữ liệu giám sát: Dữ liệu từ các camera giám sát diễn biến tại các phòng thi được lưu lại toàn bộ, niêm phong và chuyển cho Ban Thư ký.
Lưu ý: Đối với các kỹ năng nghe, đọc, viết thì mỗi phòng thi có ít nhất 02 giám thị; bảo đảm mỗi người giám sát không quá 20 thí sinh.