09:14 - 09/11/2024

Khoảng cách giữa hai lần hiến máu tình nguyện là bao lâu? Người hiến máu tình nguyện được hưởng những quyền lợi gì?

Khoảng cách giữa hai lần hiến máu tình nguyện là bao lâu? Người hiến máu tình nguyện được hưởng những quyền lợi gì?

Nội dung chính

    Khoảng cách giữa hai lần hiến máu tình nguyện là bao lâu?

    Căn cứ Điều 6 Thông tư 26/2013/TT- BYT quy định về khoảng thời gian tối thiểu giữa các lần hiến máu và các thành phần máu như sau:

    1. Khoảng thời gian tối thiểu giữa hai lần liên tiếp hiến máu toàn phần hoặc khối hồng cầu bằng gạn tách là 12 tuần.

    2. Khoảng thời gian tối thiểu giữa hai lần liên tiếp hiến huyết tương hoặc hiến tiểu cầu bằng gạn tách là 02 tuần.

    3. Hiến bạch cầu hạt trung tính hoặc hiến tế bào gốc bằng gạn tách máu ngoại vi tối đa không quá ba lần trong 07 ngày.

    4. Trường hợp xen kẽ hiến máu toàn phần và hiến các thành phần máu khác nhau ở cùng một người hiến máu thì khoảng thời gian tối thiểu giữa các lần hiến được xem xét theo loại thành phần máu đã hiến trong lần gần nhất.

    Như vậy, theo quy định như trên, khoảng cách tối thiểu giữa hai lần hiến máu là 12 tuần. Nghĩa là sau khi hiến máu, tối thiểu 12 tuần sau bạn mới có thể hiến máu tiếp được.

    Người hiến máu tình nguyện được hưởng những quyền lợi gì?

    Tại Điều 12 Thông tư 26/2013/TT- BYT quy định quyền lợi của người hiến máu như sau:

    1. Được cung cấp thông tin về các dấu hiệu, triệu chứng bệnh lý do nhiễm các vi rút viêm gan, HIV và một số bệnh lây truyền qua đường máu khác.

    2. Được giải thích về quy trình lấy máu, các tai biến không mong muốn có thể xảy ra, các xét nghiệm sẽ thực hiện trước và sau khi hiến máu.

    3. Được bảo đảm bí mật về kết quả khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm; được tư vấn về các bất thường phát hiện khi khám sức khoẻ, hiến máu; được hướng dẫn cách chăm sóc sức khoẻ; được tư vấn về kết quả xét nghiệm bất thường theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 Thông tư này.

    4. Được chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Được hỗ trợ chi phí chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu. Kinh phí để hỗ trợ chăm sóc điều trị người hiến máu theo quy định tại Khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật.

    5. Được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định tôn vinh, khen thưởng và bảo đảm các quyền lợi khác về tinh thần, vật chất của người hiến máu theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, người hiến máu sẽ được hưởng những quyền lợi theo quy định như trên.

    Trân trọng!

    27