Khái niệm ngân hàng thương mại Nhà nước theo pháp luật Việt Nam
Nội dung chính
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 59/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Thương mại thì khái niệm ngân hàng thương mại Nhà nước được quy định cụ thể như sau:
Ngân hàng thương mại Nhà nước là ngân hàng thương mại trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Ngân hàng thương mại Nhà nước bao gồm ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Ngoài ra, Nghị định 59/2009/NĐ-CP còn giải thích khái niệm của các ngân hàng thương mại khác tại Việt Nam như sau:
- Ngân hàng thương mại cổ phần là ngân hàng thương mại được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần.
- Ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài là ngân hàng thương mại được thành lập tại Việt Nam với 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu nước ngoài; trong đó phải có một ngân hàng nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ (ngân hàng mẹ). Ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc từ hai thành viên trở lên, là pháp nhân Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam.
- Ngân hàng thương mại liên doanh là ngân hàng thương mại được thành lập tại Việt Nam, bằng vốn góp của Bên Việt Nam (gồm một hoặc nhiều ngân hàng Việt Nam) và Bên nước ngoài (gồm một hoặc nhiều ngân hàng nước ngoài) trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Ngân hàng thương mại liên doanh được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên, là pháp nhân Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm ngân hàng thương mại Nhà nước. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 59/2009/NĐ-CP.
Trân trọng!