Hợp đồng lao động không có dấu đỏ có giá trị không?
Nội dung chính
Hợp đồng lao động không có dấu đỏ có giá trị không?
Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
Theo quy định tại Nghị định 148/2018/NĐ-CP và Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì những người sau đây được ký hợp đồng lao động:
(1) Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật;
- Người được các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền làm người đại diện theo quy định của pháp luật;
- Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động;
- Người được người đại diện theo pháp luật quy định tại Điểm a hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại Điểm b Khoản này ủy quyền bằng văn bản về việc giao kết hợp đồng lao động.
(2) Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động;
- Người đại diện theo pháp luật đối với người dưới 15 tuổi và có sự đồng ý của người dưới 15 tuổi;
- Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.
Lưu ý: Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được tiếp tục ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng lao động.
Như vậy: Trường hợp hợp đồng lao động được giao kết giữa người sử dụng lao động và người lao động mà có chữ ký của một trong các đối tượng kể trên ở hai bên tham gia hợp đồng thì hợp đồng lao động đó được xác định là có giá trị pháp luật.
Tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định:
"Điều 44. Con dấu của doanh nghiệp
3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.
4. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu."
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây có thể xác định con dấu của doanh nghiệp sẽ được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
- Khi pháp luật quy định phải sử dụng;
- Điều lệ công ty có quy định;
- Các bên thỏa thuận sử dụng con dấu.
Mà theo như ghi nhận của chúng tôi thì pháp luật hiện hành không bắt buộc hợp đồng lao động phải có con dấu của doanh nghiệp khi giao kết thì mới có giá trị pháp luật.
Do đó: Đối với trường hợp của bạn, nếu hợp đồng lao động mà bạn đã giao kết với công ty mà có chữ ký của bạn và chữ ký của Giám đốc - người đại diện theo pháp luật của công ty thì hợp đồng đó vẫn có giá trị pháp luật.
Trường hợp có phát sinh tranh chấp thì các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng đó sẽ được làm căn cứ để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.