15:42 - 26/09/2024

Học sinh tại trường giáo dưỡng có cần trả chi phí sinh hoạt không?

Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng có cần trả chi phí sinh hoạt không?

Nội dung chính

    Học sinh tại trường giáo dưỡng có cần trả chi phí sinh hoạt không?

    Căn cứ Điều 3 Nghị định 133/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự có quy định về kinh phí bảo đảm cho việc quản lý phạm nhân và thực hiện các chế độ, chính sách đối với phạm nhân, học sinh như sau:

    - Kinh phí bảo đảm cho việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ tổ chức quản lý và thực hiện chế độ khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, phòng chống dịch bệnh, tổ chức cai nghiện ma túy, điều trị HIV/AIDS; giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, dạy văn hóa, dạy nghề, phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật, tư vấn tâm lý, hỗ trợ thủ tục pháp lý, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí và xây dựng, bố trí các buồng chữa bệnh đối với phạm nhân, học sinh do ngân sách nhà nước cấp.

    - Cơ sở giam giữ phạm nhân được trích từ kết quả lao động của phạm nhân và tiếp nhận sự ủng hộ kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong nước để hỗ trợ đầu tư cho cơ sở vật chất và thực hiện các chế độ đối với phạm nhân. Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật khác có liên quan.

    Như vậy, theo quy định như trên không có quy định về nguồn kinh phí hoạt động của trường giáo dưỡng là do học sinh đóng góp. Cho nên học sinh bị áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng sẽ không phải chi trả các khoản phí này.

    Học sinh tại trường giáo dưỡng có chế độ ăn mặc như thế nào

    Căn cứ Điều 28 Nghị định này có quy định về chế độ ăn, mặc của học sinh trường giáo dưỡng như sau:

    1. Học sinh được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm:

    a) 17 kg gạo tẻ;

    b) 1,2 kg thịt lợn;

    c) 1,2 kg cá;

    d) 0,5 kg đường;

    đ) 0,75 lít nước mắm;

    e) 0,1 kg bột ngọt;

    g) 0,5 kg muối;

    h) 15 kg rau xanh;

    i) 0,2 lít dầu ăn;

    k) Gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ;

    l) Chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

    Lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương.

    Chế độ ăn trong các ngày lễ, Tết của học sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật và khoản 1 Điều 149 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

    Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế để đảm bảo học sinh ăn hết tiêu chuẩn ăn. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định chế độ ăn đối với học sinh ốm đau, bệnh tật trên cơ sở đề xuất của cán bộ y tế nhưng tổng định lượng mức ăn không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

    2. Chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của mỗi học sinh trong một năm được cấp như sau:

    a) 02 bộ quần áo dài;

    b) 01 bộ quần áo dài đồng phục;

    c) 02 bộ quần áo lót;

    d) 02 đôi dép nhựa;

    đ) 01 áo mưa nilông;

    e) 01 mũ cứng;

    g) 01 mũ vải;

    h) 03 khăn mặt;

    i) 03 bàn chải đánh răng;

    k) 02 chiếu cá nhân;

    l) 800 g kem đánh răng;

    m) 3,6 kg xà phòng;

    n) 800 ml dầu gội đầu.

    Học sinh vào trường giáo dưỡng được cấp 01 màn, 01 chăn sợi. Từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và 05 tỉnh Tây Nguyên, mỗi học sinh được cấp thêm 01 áo ấm, 02 đôi tất và 01 mũ len, 01 chăn bông có vỏ nặng không quá 02 kg dùng trong 02 năm. Đối với học sinh phải chấp hành từ 12 tháng trở lên thì được cấp 02 lần (trừ chăn bông).

    Học sinh được mang vào trường giáo dưỡng những đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định của Bộ Công an. Học sinh nữ được cấp đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân tương đương 03 kg gạo tẻ/học sinh/tháng.

    3. Quy định này được áp dụng chung đối với học sinh trong trường giáo dưỡng.

    Trân trọng!

    183