14:30 - 14/11/2024

Hành vi xâm hại tình dục với trẻ em bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Xâm hại tình dục là gì? Hành vi xâm hại tình dục với trẻ em bị xử phạt như thế nào? Bảo vệ trẻ em được thực hiện như thế nào theo quy định hiện nay?

Nội dung chính

    Xâm hại tình dục là gì?

    Theo tiểu mục 2 Mục I Hướng dẫn chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị xâm hại tình dục ban hành kèm theo Quyết định 3133/QĐ-BYT năm 2020 thì xâm hại tình dục là việc thực hiện các hành vi tình dục không có sự đồng thuận của nạn nhân.

    Xâm hại tình dục bao gồm: hiếp dâm (xâm nhập âm đạo, hậu môn hay miệng) bao gồm cả hiếp dâm không thành, các đụng chạm cố ý có tính chất tình dục vào bất kì bộ phận nào của cơ thế của một người, kể cả qua quần áo, sử dụng bộ phận sinh dục, sử dụng tay hay bất kì bộ phận nào khác của cơ thể hay vật dụng mà không có sự đồng thuận của người đó.

    Ngoài ra, xâm hại tình dục cũng bao gồm việc cố quan hệ tình dục hay có các đụng chạm mang tính dâm dục khi nạn nhân không thể phản đối hay không ý thức được hành vi xâm hại do tuổi, do tình trạng tâm thần, do rượu, thuốc hay các chất khác

    Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 06/2019/NQ-HĐTP thì xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm:

    - Hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (ví dụ: hoạt động xâm hại tình dục được thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi);

    - Do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ...).

    Hành vi xâm hại tình dục với trẻ em bị xử phạt như thế nào?Hành vi xâm hại tình dục với trẻ em bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào? (Hình từ Internet)

    Hành vi xâm hại tình dục với trẻ em bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

    Theo Điều 1 Luật Trẻ em 2016 thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. 

    Hành vi xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (theo khoản 8 Điều 4 Luật Trẻ em 2016).

    Tùy vào tình tiết của vụ việc, người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một trong những tội danh sau:

    (1) Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

    Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến tù chung thân hoặc tử hình (theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

    (2) Tội cưỡng dâm người tủ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

    Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân (theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

    (3) Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

    Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm (theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015).

    (4) Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi

    Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm. (theo Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015, điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

    (5) Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm

    Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm. (theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự 2015, điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

    Như vậy, hành vi xâm hại tình dục với trẻ em mức phạt nhẹ nhất là 06 tháng tù giam và nặng nhất là tù chung thân theo quy định tại Điều 1 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đôi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

    Bảo vệ trẻ em được thực hiện như thế nào theo quy định hiện nay?

    Bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

    Theo khoản 1 Điều 47 Luật Trẻ em 2016 thì việc bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ sau đây: Phòng ngừa - Hỗ trợ - Can thiệp.

    (1) Phòng ngừa

    Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ phòng ngừa được quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Trẻ em 2016 như sau:

    - Cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

    - Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ phòng ngừa bao gồm:

    + Tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, gia đình, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

    + Cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em;

    + Trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ để bảo đảm trẻ em được an toàn;

    + Giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em;

    + Xây dựng môi trường sống an toàn và phù hợp với trẻ em.

    (2) Hỗ trợ

    Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Trẻ em 2016 bao gồm:

    - Cảnh báo về nguy cơ trẻ em bị xâm hại; tư vấn kiến thức, kỹ năng, biện pháp can thiệp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và trẻ em nhằm tạo lập lại môi trường sống an toàn cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại.

    - Tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại, áp dụng các biện pháp cần thiết để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.

    - Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật này

    - Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

    (3) Can thiệp

    Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Trẻ em 2016 bao gồm:

    - Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;

    - Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;

    - Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Luật này;

    - Đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

    - Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;

    - Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

    - Các biện pháp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình của trẻ em quy định tại Khoản 1 Điều 43, Khoản 1 Điều 44 và Điểm d Khoản 2 Điều 49 của Luật này;

    - Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

    4