Hành vi nào bị cấm trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo? Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Thế nào là hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, khoản 11 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, khái niệm hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo được định nghĩa như sau:
- Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
- Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo.
Hành vi nào bị cấm trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo? Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Hành vi nào bị cấm trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có đề cập đến các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Như vậy, theo quy định hiện nay có 05 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như sau:
- Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
- Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
- Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
+ Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
+ Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
+ Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
+ Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
- Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Việc xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 64 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện như sau:
- Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo do Chính phủ quy định.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm thế nào trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các trách nhiệm sau:
- Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
- Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
- Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.