Flycam có được phép bay gần khu vực quân sự không? Sử dụng flycam bay gần khu vực quân sự bị phạt bao nhiêu tiền?
Nội dung chính
1. Flycam có được phép bay gần khu vực quân sự không?
Tại Điều 14 Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định các hành vi bi nghiêm cấm các hành vi, theo đó:
1. Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay.
2. Tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia.
3. Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay.
4. Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại.
5. Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép.
6. Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay.
7. Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.
Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 3 Quyết định 18/2020/QĐ-TTg quy định khu vực cấm bay như sau:
3. Khu vực quốc phòng, an ninh.
Khu vực đóng quân; khu vực triển khai lực lượng, trang bị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, bảo vệ mục tiêu; khu vực kho tàng, nhà máy, căn cứ (trung tâm) hậu cần, kỹ thuật, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ của các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; khu vực các công trình trong danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Khoảng cách từ tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động đến ranh giới khu vực cấm theo chiều ngang không nhỏ hơn 500m ở mọi độ cao.
Theo đó, Flycam sẽ không được phép bay gần khu vực quân sự. Nếu vi phạm thì người điều khiển Flycam có thể bị xử phạt hành chính vì bay không đúng khu vực quy định.
Flycam có được phép bay gần khu vực quân sự không? Sử dụng flycam bay gần khu vực quân sự bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
2. Sử dụng flycam bay gần khu vực quân sự bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Khoản 2, Khoản 13 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm về trật tự công cộng, như sau:
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;
b) Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;
c) Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ;
đ) Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép;
e) Cản trở, sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở chợ, bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác;
g) Đốt và thả “đèn trời”;
h) Không có đủ hồ sơ, tài liệu mang theo khi khai thác tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ;
i) Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi người trực tiếp khai thác, sử dụng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;
k) Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi phương tiện bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;
l) Phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
13. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ và g khoản 2; điểm đ khoản 3; các điểm b, e và i khoản 4; các điểm a, b và c khoản 5; các khoản 6 và 10 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép của cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm h và i khoản 3 và khoản 9 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng phép bay từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 6, 7, 8 và 11 Điều này;
d) Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm c, e và g khoản 4 Điều này.
Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền như sau:
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, khi cá nhân sử dụng Ffycam bay gần các khu vực quân sự thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài ra, với tổ chức thì mức tiền phạt sẽ từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
3. Hồ sơ xin cấp phép sử dụng flycam bao gồm những gì?
Theo Điều 9 Nghị định 36/2008/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 79/2011/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp phép bay như sau:
1. Tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động bay phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép bay. Hồ sơ đề nghị cấp phép bay bao gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị cấp phép bay bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này).
b) Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước;
c) Các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay.
Với quy định nêu trên thì người sử dụng flycam cần chuẩn bị các giấy tờ nêu trên để được cấp phép sử dụng.