Đơn vị sự nghiệp công lập cần đáp ứng những điều kiện gì để được chuyển thành công ty cổ phần?
Nội dung chính
Đơn vị sự nghiệp công lập cần đáp ứng những điều kiện gì để được chuyển thành công ty cổ phần?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 150/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần như sau:
Điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
Các đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
1. Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi.
2. Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
4. Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Như vậy, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Thuộc một trong các đối tượng sau:
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là UBND cấp tỉnh);
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của UBND cấp tỉnh;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là UBND cấp huyện);
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
- Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi.
- Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
- Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần có các hình thức chuyển đổi nào?
Theo Điều 5 Nghị định 150/2020/NĐ-CP quy định về các hình thức chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần gồm:
- Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
- Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc vừa kết hợp bán một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Theo đó, có 02 hình thức chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần.
Phân loại nợ phải trả của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 111/2020/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 76/2022/TT-BTC quy định về phân loại nợ phải trả của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần như sau:
1) Căn cứ hợp đồng, giấy báo nợ, đối chiếu nợ và các tài liệu khác (nếu có), đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thực hiện:
- Lập bảng kê các khoản nợ vay theo từng chủ nợ;
- Xác định các khoản nợ thuế, phí và khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác;
- Phân tích cụ thể các khoản nợ vay theo hợp đồng (vay trong nước, vay nước ngoài), vay có bảo lãnh, vay không có bảo lãnh, vay do phát hành trái phiếu;
- Các khoản nợ phải trả đến hạn thanh toán và chưa đến hạn thanh toán, khoản nợ gốc, nợ lãi, khoản nợ phải trả nhưng không phải thanh toán.
2) Nợ phải trả nhưng không phải thanh toán của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi bao gồm:
- Các khoản nợ mà chủ nợ của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi khi thực hiện đối chiếu xác nhận nợ thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Nợ của các doanh nghiệp đã giải thể hoặc phá sản nhưng không xác định được cơ quan hoặc cá nhân thừa kế nợ theo phương án giải thể, phá sản đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định;
+ Nợ của các cá nhân đã chết nhưng không xác định được người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế;
+ Nợ của các chủ nợ khác đã quá hạn nhưng chủ nợ không đến đối chiếu, xác nhận. Trong trường hợp này, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phải có văn bản thông báo gửi trực tiếp đến chủ nợ đồng thời thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trước thời điểm xác định giá trị ít nhất 10 ngày làm việc.
- Các khoản kinh phí Ngân sách nhà nước cấp;
- Các khoản viện trợ, vay nợ nước ngoài không hoàn lại;
- Các khoản phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;
- Phần kinh phí của Quỹ đặc thù, Quỹ khác hình thành từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hoặc chênh lệch thu chi của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi;
- Các khoản nợ không phải thanh toán khác.