Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng xe ô tô sẽ được phát hành lệnh vận chuyển bằng bản điện tử từ 15/9/2022?
Nội dung chính
Trong thời gian tới, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng xe ô tô có thể sử dụng lệnh vận chuyển bằng điện tử?
Căn cứ vào Điều 25 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định như sau:
“Điều 25. Quy định về Lệnh vận chuyển
1. Lệnh vận chuyển do doanh nghiệp, hợp tác xã tự in theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này. Ngoài những nội dung bắt buộc quy định tại Phụ lục 6, doanh nghiệp, hợp tác xã được bổ sung những nội dung khác để phục vụ công tác quản lý của đơn vị.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã có trách nhiệm quản lý, cấp và kiểm tra việc sử dụng Lệnh vận chuyển; lưu trữ Lệnh vận chuyển đã thực hiện trong thời gian tối thiểu 03 năm.
3. Bến xe khách có trách nhiệm cập nhật vào phần mềm quản lý bến xe toàn quốc thông tin về lệnh vận chuyển đã được đóng dấu xác nhận.”
Theo đó, hiện nay đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sẽ tự in lệnh vận chuyển. Đề này đồng nghĩa với việc đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến hiện nay chỉ được sử dụng lệnh vận chuyển bằng bản giấy.
Tuy nhiên, quy định này sẽ có những thay đổi trong thời gian tới. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 17/2022/TT-BGTVT quy định như sau:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ
...
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 25 như sau:
“1. Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc điện tử do doanh nghiệp, hợp tác xã tự phát hành theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này. Ngoài những nội dung bắt buộc quy định tại Phụ lục 6, doanh nghiệp, hợp tác xã được bổ sung những nội dung khác để phục vụ công tác quản lý của đơn vị.
Khi thực hiện chuyến đi, lái xe mang theo Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc có thiết bị truy cập được nội dung của Lệnh vận chuyển điện tử; xuất trình Lệnh vận chuyển bản giấy hoặc bản điện tử khi lực lượng chức năng yêu cầu.
Việc cung cấp thông tin trên Lệnh vận chuyển thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 51 của Thông tư này.”.
Theo đó, trong thời gian tới thì đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có thể ban hành lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc bản điện tử.
Ngoài ra, lái xe có thể mang thiết bị truy cập vào được nội dung của lệnh vận chuyển điện tử, có thể xuất trình lệnh vận chuyển điện tử khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng xe ô tô sẽ được phát hành lệnh vận chuyển bằng bản điện tử từ 15/9/2022?
Cung cấp thông tin trên lệnh vận chuyển hiện nay được quy định như thế nào?
Căn cứ vào khoản 4 Điều 51 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định như sau:
“Điều 51. Quy định về cung cấp thông tin
…
4. Quy định về cung cấp thông tin trên lệnh vận chuyển:
a) Các thông tin nhận dạng mặc định bao gồm: tên, mã số thuế của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải; tên, mã số thuế của đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm truyền dữ liệu (trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hoặc đơn vị bến xe khách thuê dịch vụ); tên Sở Giao thông vận tải (nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã); tên, mã số bến xe (điểm đầu cuối đối với tuyến xe buýt); thông tin về xe (biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), nhãn hiệu và số chỗ); thông tin về tuyến hoạt động (mã số tuyến, bến xe nơi đi, bến xe nơi đến (điểm đầu, điểm cuối đối với tuyến xe buýt)); giờ xe xuất bến theo kế hoạch. Các thông tin mặc định này phải được gắn với các thông tin chuyến đi tại điểm b khoản này;
b) Các thông tin từng chuyến xe bao gồm: thông tin về người lái xe (họ và tên, hạng giấy phép người lái xe, số giấy phép người lái xe); giờ xe xuất bến thực tế; số lượng hành khách khi xe xuất bến;
c) Đơn vị bến xe khách, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định, bằng xe buýt có trách nhiệm cung cấp thông tin trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến xe về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo lộ trình quy định tại khoản 8 Điều 4, khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP;
d) Thông tin tại điểm a và điểm b khoản này được cung cấp liên tục về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam với thời gian không quá 03 phút, kể từ khi xe xuất bến.”
Theo đó, việc cung cấp thông tin trên lệnh vận chuyển hiện nay được thực hiện theo quy định như trên.
Xe đang vận chuyển hành khách theo tuyến cố định bị sự cố thì xe thay thế đột xuất của đơn vị kinh doanh vận tải có cần lệnh vận chuyển không?
Căn cứ vào Điều 23 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định như sau:
“Điều 23. Bổ sung, thay thế xe khai thác trên tuyến
1. Bổ sung, thay thế xe khai thác trên tuyến
Doanh nghiệp, hợp tác xã được thay thế xe đang khai thác trên tuyến hoặc được bổ sung xe nếu việc bổ sung không làm tăng số chuyến xe. Xe được bổ sung, thay thế vào tuyến nào phải được cấp phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” có ghi tên tuyến đó và phải đảm bảo các yêu cầu về loại phương tiện tham gia khai thác tuyến đã đăng ký.
2. Thay thế xe đột xuất
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã được sử dụng phương tiện bất kỳ của đơn vị mình đã được cấp phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” để thay thế khi xe đang hoạt động trên tuyến gặp sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn giao thông hoặc do nguyên nhân bất khả kháng khác. Trường hợp đơn vị không bố trí được phương tiện thay thế, Sở Giao thông vận tải quyết định việc điều động phương tiện của đơn vị khác trên tuyến để thay thế;
b) Xe thay thế đột xuất phải có Lệnh vận chuyển của doanh nghiệp, hợp tác xã theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.”
Như vậy, trường hợp xe đang hoạt động trên tuyến gặp sự cố kỹ thuật thì đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định có quyền sử dụng xe thay thế đột xuất và xe thay thế đột xuất buộc phải có lệnh vận chuyển.
Thông tư 17/2022/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/9/2022.