Đòi lại và thừa kế đất không có giấy tờ : không có cơ hội được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Đòi lại và thừa kế đất không có giấy tờ : không có cơ hội được quy định như thế nào?
Theo thông tin của bạn thì trường hợp của ông bạn có thể xem là đang ở tình trạng "3 không":
- Không giấy tờ.
- Không sử dụng.
- Không đóng thuế.
Riêng giấy tay mua đất năm 1976 có thể nói ngay là không có giá trị gì nếu đưa ra tranh chấp trong bối cảnh câu chuyện này.
Ngược lại người em của ông bạn là "3 có":
- Có giấy tờ (ở UBND xã).
- Trực tiếp sử dụng suốt 35 năm qua.
- Có đóng thuế.
Theo đó, có thể ngay là khả năng ông bạn kiện đòi lại đất và đòi được là ... không có. Và như vậy, cũng không cần phải suy nghĩ tới bước 2, bước 3 như bạn đặt ra : là chia di sản thừa kế, cấp Giấy chứng nhận ...
Tôi cũng muốn giải thích thêm cho bạn là việc bạn đặt vấn đề lô đất của người em ông bạn có thể là "di sản" của ông bạn là quá sớm. Vì ông bạn chưa hề có "quyền hạn" gì ( một cách hợp pháp) với lô đất đó thì làm sao có thể viết di chúc để lại cho người khác được.
Về câu hỏi lô đất đó đang là tài sản của ai thì tôi không/chưa thể trả lời chính xác vì không rõ em của ông bạn đã có được những loại giấy tờ gì. Tuy nhiên thể thể khẳng định lô đất đó không/chưa phải là tài sản của ông bạn và hầu như chắc chắn sẽ thuộc về em ông của bạn.
Tuy nhiên, có một trường hợp khác (mà tôi chỉ suy luận theo lối "lo xa" giúp bạn) : đó là ông bạn mua đất năm 1976 và trên đất có nhà. Hay nói chính xác hơn là năm 1976 ông bạn mua nhà giấy tay (chứ không phải là mua đất) và căn nhà em ông bạn đang ở "có nguồn gốc" là nhà của ông bạn. Trường hợp này hai bên sẽ tranh chấp về tài sản chứ không phải là đất đai. Dù vậy, khả năng ông bạn đòi nhà và thắng kiện - hầu như cũng rất thấp vì đã quá lâu.
Tôi thực sự thắc mắc không biết bạn thuộc "phe" nào. Nếu bạn thuộc "phe" đang trực tiếp sử dụng đất thì có thể hoàn toàn an tâm chờ ngày được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ - kể cả trường hợp kiện tụng ra tòa. Ngược lại thì tôi khuyên không nên kiện tụng làm gì cho mất công ( và mất cả tình nghĩa). Nhất là khi đòi mà không có bất kỳ một giấy tờ (chứng cứ) hợp pháp nào.
Về câu hỏi "các loại giấy tờ gì" khác để có thể chứng minh và để lại tài sản của mình cho người khác : Giấy tờ về nhà, đất ở VN trải qua nhiều thời kỳ, biến động lịch sử ... - nên rất đa dạng, phức tạp, hầu như không thể thống kê hết được. Tuy nhiên, tới nay đất nước đã thống nhất được 35 năm rồi (tính từ năm 1975), nên có thể nói một cách chung qui là những giấy tờ nào có con dấu đỏ của các cấp chính quyền (xã, huyện, tỉnh ...) đề có thể xem (trực tiếp và gián tiếp) là tư liệu để chứng minh về nguồn gốc, quá trình sử dụng hoặc quyền sử dụng, quyền sở hữu đối với nhà, đất. Trường hợp có tranh chấp thì đưa ra tòa án và đây là nơi có thẩm quyền phán xét cuối cùng.