Điểm GPA là gì? Quy đổi điểm GPA từ thang điểm 10 sang thang điểm 4 như thế nào?
Nội dung chính
Điểm GPA là gì?
GPA (Grade Point Average) hay Trung bình điểm học tập là một chỉ số dùng để đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong một học kỳ hoặc trong toàn bộ quá trình học tập. GPA phản ánh mức độ thành tích học tập của một người thông qua các điểm số đạt được từ các môn học, được tính trung bình theo một công thức nhất định.
Hệ thống GPA không chỉ được sử dụng rộng rãi trong các trường đại học, mà còn được áp dụng trong các chương trình đào tạo quốc tế và các cơ sở giáo dục khác nhằm chuẩn hóa đánh giá thành tích học tập.
Ở Việt Nam, điểm số của sinh viên thường được chấm theo thang điểm 10. Tuy nhiên, nhiều trường đại học và tổ chức quốc tế lại sử dụng thang điểm 4. Do đó, việc quy đổi điểm GPA từ thang điểm 10 sang thang điểm 4 trở nên cần thiết để đánh giá thành tích học tập theo tiêu chuẩn quốc tế.
Điểm GPA là gì? Quy đổi điểm GPA từ thang điểm 10 sang thang điểm 4 như thế nào?
Công thức quy đổi điểm GPA từ thang điểm 10 sang thang điểm 4
Có nhiều phương pháp quy đổi điểm GPA (Trung bình điểm học tập) khác nhau, tuy nhiên, một trong những cách quy đổi phổ biến và đơn giản nhất là sử dụng công thức tuyến tính. Công thức cơ bản như sau:
Điểm GPA (thang 4)= Điểm GPA muốn quy đổi x 4 : 10
Ví dụ, nếu bạn có điểm trung bình 8.0 trên thang điểm 10, điểm GPA tương đương trên thang điểm 4 sẽ là: GPA=8x4:10=3.2
Bên cạnh công thức trên, căn cứ theo khoản 3 Điều 9 và khoản 2, khoản 5 Điều 10 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT điểm của sinh viên đổi từ thang điểm 10 sang thang điểm 4 như sau:
A: từ 8,5 đến 10,0;
B: từ 7,0 đến 8,4;
C: từ 5,5 đến 6,9;
D: từ 4,0 đến 5,4.
F: dưới 4,0.
Sau đó, khi đánh giá kết quả học tập cuối kỳ nhà trường sẽ quy đổi điểm từ điểm chữ sang điểm thang 4.0 (GPA) như sau:
A quy đổi thành 4;
B quy đổi thành 3;
C quy đổi thành 2;
D quy đổi thành 1;
F quy đổi thành 0.
Ngoài ra, các trường đại học có thể quy đổi điểm chữ ra nhiểu mức hơn tùy theo cách đánh giá của trường tuy nhiên các điểm chữ không được quy định ở khoản 2 Điều 10 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT thì không được tính vào các điểm trung bình, năm học hoặc tích lũy.
Phương thức đào tạo tín chỉ của các trường đại học được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT, phương thức đào tạo tín chỉ của các trường đại học được quy định như sau:
- Là phương thức tổ chức đào tạo theo từng lớp học phần, cho phép sinh viên tích lũy tín chỉ của từng học phần và thực hiện chương trình đào tạo theo kế hoạch học tập của cá nhân, phù hợp với kế hoạch giảng dạy của cơ sở đào tạo;
- Sinh viên không đạt một học phần bắt buộc sẽ phải học lại học phần đó hoặc học một học phần tương đương theo quy định trong chương trình đào tạo, hoặc học một học phần thay thế nếu học phần đó không còn được giảng dạy;
- Sinh viên không đạt một học phần tự chọn sẽ phải học lại học phần đó hoặc có thể chọn học một học phần tự chọn khác theo quy định trong chương trình đào tạo.
Kế hoạch giảng dạy và học tập sinh viên đại học phải tuân thủ nguyên tắc gì?
Căn cứ Điều 6 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT, kế hoạch giảng dạy và học tập sinh viên đại học phải tuân thủ nguyên tắc sau:
- Kế hoạch giảng dạy và học tập chi tiết hóa việc tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo theo năm học, học kỳ, phù hợp với hình thức đào tạo và phương thức tổ chức đào tạo.
- Kế hoạch năm học thể hiện những mốc thời gian chính của các hoạt động đào tạo trong năm học cho tất cả hình thức, chương trình đào tạo, được công bố kịp thời tới các bên liên quan trước khi bắt đầu năm học. Một năm học có 02 hoặc 03 học kỳ chính với tổng số tối thiểu 30 tuần lên lớp. Ngoài các học kỳ chính, cơ sở đào tạo có thể tổ chức thêm học kỳ phụ.
- Kế hoạch học kỳ bao gồm kế hoạch mở lớp, hình thức dạy và học (trực tiếp hoặc trực tuyến), lịch học, lịch thi của các học phần được tổ chức trong học kỳ cho các khoá học, chương trình đào tạo và hình thức đào tạo. Kế hoạch học kỳ phải được xây dựng và công bố kịp thời với đầy đủ thông tin cần thiết, bảo đảm thuận tiện cho sinh viên xây dựng kế hoạch học tập và đăng ký học tập.
- Thời khoá biểu thể hiện thời gian, địa điểm, hoạt động dạy và học của từng lớp thuộc các khoá học, hình thức và chương trình đào tạo. Thời khóa biểu của các lớp học phần bình thường được bố trí đều trong các tuần của học kỳ. Trong trường hợp cần thiết phải xếp lịch học tập trung thời gian, số giờ giảng đối với một học phần bất kỳ không vượt quá 15 giờ/tuần và 4 giờ/ngày.
- Quy chế của cơ sở đào tạo quy định rõ việc phân bổ các học kỳ, thời gian, địa điểm, hình thức bố trí các giờ lên lớp theo quy định của Quy chế này.