Đền bù khi xảy ra tai nạn giao thông
Nội dung chính
Đền bù khi xảy ra tai nạn giao thông
Câu hỏi: Vợ tôi đang đi bên phải đường, với tốc độ chậm trên đường Quốc lộ, thì gặp một chiếc xe ô tô 12 chỗ đi ngược chiều vòng vào phía đường phía vợ tôi đang đi. Khi chiếc xe này vòng vào trong sân của một nhà bên cạnh đường thì bất ngờ lùi lại ra phía đường, vì bất ngờ nên vợ tôi không xử lý kịp nên va quệt với chiếc xe ô tô đó, phần đuôi xe va vào phần trước xe máy của vợ tôi. Kết quả vợ tôi bị gãy chân và tay, xe máy chỉ bị hư hỏng nhẹ. Xin hỏi: Xác định lỗi như thế nào? Vợ tôi bị thiệt hại sức khoẻ thì có được đền bù không? Và đền bù tính như thế nào?
Để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, vợ anh phải thông báo cho phòng cảnh sát giao thông nợi xảy ra tai nạn để công an tới lập biên bản hiện trường hoặc thông báo cho công an giao thông về tai nạn xảy ra, tên phương tiện, hoặc biển số xe gây tai nạn, các tình tiết của sự việc… Căn cứ vàobiên bản hiện trường và các tình tiết của sự việc cơ quan công an sẽ xác định lỗi xảy ra tai nạn là do ai.
Tuy nhiên, theo tình tiết mà anh trình bày thì có thể xác định lỗi là do lái xe gây ra khi thiếu quan sát, lùi xe bất ngờ dẫn đến va quẹt. Anh có thể tham khảo các quy định tại điều 15 và điều 16 của Luật giao thông đường bộ số 26/2001/QH10 quy định về việc chuyển hướng xe và Lùi xe như sau:
Điều 15. Chuyển hướng xe
1.Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
2.Trong khi chuyển hướng, người lái xe phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
3.Trong khu dân cư, người lái xe chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.
4.Cấm quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt, đường hẹp, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
Điều 16. Lùi xe
1.Khi lùi xe, người điều khiển phương tiện phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.
2.Cấm lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao cắt đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ.
- Trong trường hợp, vợ anh bị gãy chân, tay do lỗi của người điều kiển phương tiện giao thông gây ra thì vợ anh có thể đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại điều 609 của Bộ luật dân sự năm 2005 bao gồm các chi phí sau:
a)Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b)Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;c)Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2.Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
-Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 623 của bộ luật dân sự năm 2005.
Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1.Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
2.Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3.Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a)Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b)Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4.Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.