08:25 - 15/12/2024

Đăng ký cư trú cho người không có nơi thường trú, nơi tạm trú từ ngày 10 01 2025

Xác định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú như thế nào? Đăng ký cư trú cho người không có nơi thường trú, nơi tạm trú như thế nào?

Nội dung chính

    Xác định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú như thế nào?

    Căn cứ Điều 19 Luật Cư trú 2020 quy định về nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú như sau:

    Nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú
    1. Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống, Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
    ...

    Như vậy, nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó. Trong trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì xác định nơi cư trú là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống.

    Đăng ký cư trú cho người không có nơi thường trú, nơi tạm trú từ ngày 10 01 2025Đăng ký cư trú cho người không có nơi thường trú, nơi tạm trú từ ngày 10/01/ 2025? (Hình từ Internet)

    Đăng ký cư trú cho người không có nơi thường trú, nơi tạm trú như thế nào?

    Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 154/2024/NĐ-CP hướng dẫn đăng ký nơi cư trú của người không có nơi thường trú, tạm trú như sau:

    Bước 1: Khai báo thông tin

    Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú khai báo thông tin về cư trú theo mẫu Tờ khai thay đổi thông tin cư trú và nộp trực tuyến, trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại theo quy định tại Điều 19 Luật Cư trú 2020.

    Trường hợp chưa có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, chính xác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại của công dân có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, hồ sơ của công dân, kiểm tra, xác minh và thực hiện thu thập, cập nhật thông tin công dân theo quy định của pháp luật.

    - Trường hợp qua kiểm tra, rà soát, cơ quan đăng ký cư trú phát hiện công dân thuộc trường hợp phải khai báo thông tin về cư trú thì có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu công dân đó thực hiện việc khai báo.

    Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu công dân khai báo thông tin về cư trú thì công dân có trách nhiệm thực hiện khai báo theo quy định như trên.

    - Trường hợp qua kiểm tra, xác minh xác định thông tin về cư trú do công dân đã khai báo, cung cấp nhưng chưa đầy đủ, chính xác hoặc không kiểm tra, xác minh được thông tin về công dân thì cơ quan đăng ký cư trú có văn bản giấy hoặc văn bản điện tử từ chối tiếp nhận khai báo thông tin về cư trú và đề nghị công dân đó khai báo lại để kiểm tra, xác minh theo quy định (trừ trường hợp thông tin khai báo lại đúng với kết quả đã xác minh trước đó).

    Thời hạn kiểm tra, xác minh lại được tính như thời hạn kiểm tra, xác minh lần đầu.

    Qua kiểm tra, xác minh nếu có căn cứ xác định người đến khai báo là công dân Việt Nam và thông tin mà công dân đó khai báo đầy đủ, chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú tiến hành thu thập, cập nhật thông tin công dân đó vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đề nghị cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an xác lập số định danh cá nhân của công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật.

    Bước 2: Cơ quan cấp giấy xác nhận thông tin cư trú

    Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú khi công dân có nhu cầu.

    - Nội dung giấy xác nhận thông tin về cư trú bao gồm các thông tin cơ bản về công dân:

    + Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân;

    + Ngày, tháng, năm sinh; giới tính;

    + Quốc tịch;

    + Dân tộc;

    + Tôn giáo;

    + Quê quán;

    + Nơi đăng ký khai sinh;

    + Nơi ở hiện tại;

    + Ngày, tháng, năm khai báo cư trú;

    + Họ, chữ đệm và tên chủ hộ;

    + Quan hệ với chủ hộ;

    + Số định danh cá nhân chủ hộ.

    Bước 3: Đăng ký nơi cư trú

    Công dân đã được cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú có trách nhiệm đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú ngay khi đủ điều kiện, thủ tục theo quy định của Luật Cư trú 2020;

    Trường hợp chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng có thay đổi về thông tin cá nhân, thông tin nhân thân thì phải khai báo lại với cơ quan đăng ký cư trú nơi đã cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú để kiểm tra, xác minh, rà soát, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

    Lưu ý: Nghị định 154/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/ 2025.

    Quyền của công dân về cư trú được quy định như thế nào?

    Theo Điều 8 Luật Cư trú 2020 có quy định quyền của công dân về cư trú như sau:

    - Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.

    - Được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu.

    - Được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu.

    - Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu.

    - Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú.

    - Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật

    69