14:31 - 14/11/2024

Dựa vào cơ sở nào để được đặt tiền bảo đảm cho người đang bị tạm giam được tại ngoại?

Dựa vào cơ sở nào để được đặt tiền bảo đảm cho người đang bị tạm giam được tại ngoại? Mức tiền đặt để bảo đảm cho người đang bị tạm giam được tại ngoại là 10 tỷ có đúng pháp luật? Việc đặt tiền để bảo đảm thay đổi biện pháp ngăn chặn được thực hiện như thế nào?

Nội dung chính

    1. Dựa vào cơ sở nào để được đặt tiền bảo đảm cho người đang bị tạm giam được tại ngoại?

    Tại Điều 7 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định về thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm như sau:

    1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn đề nghị và các giấy tờ có liên quan, cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án có trách nhiệm xem xét, nếu thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này thì ra Thông báo cho bị can, bị cáo, người thân thích hoặc người đại diện của bị can, bị cáo theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này để làm thủ tục đặt tiền để bảo đảm. Trường hợp thấy không đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can, bị cáo thì phải thông báo bằng văn bản cho người đề nghị biết trong đó nêu rõ lý do.
    2. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tình trạng tài sản, nhân thân của bị can, bị cáo; bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, tố giác đồng phạm, có tình tiết giảm nhẹ (như tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại...); việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm trừ các trường hợp sau:
    a) Bị can, bị cáo dùng thủ đoạn xảo quyệt, phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
    b) Bị can, bị cáo là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm;
    c) Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã.
    d) Phạm nhiều tội;
    đ) Phạm tội nhiều lần.

    Theo đó, để được đặt tiền bảo đảm cho người đang bị tạm giam được tại ngoại phải dựa trên các cơ sở như: nhân thân của người tạm giam, có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, tố giác đồng phạm, có tình tiết giảm nhẹ (như tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại.

    Dựa vào cơ sở nào để được đặt tiền bảo đảm cho người đang bị tạm giam được tại ngoại?

    Dựa vào cơ sở nào để được đặt tiền bảo đảm cho người đang bị tạm giam được tại ngoại? (Hình từ Internet)

    2. Mức tiền đặt để bảo đảm cho người đang bị tạm giam được tại ngoại là 10 tỷ có đúng pháp luật?

    Tại Điều 4 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định về mức tiền đặt để bảo đảm như sau:

    1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới:
    a) Ba mươi triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
    b) Một trăm triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng;
    c) Hai trăm triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
    d) Ba trăm triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
    2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới một phần hai (1/2) mức tương ứng quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:
    a) Bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, là người được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân hoặc được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, của gia đình được tặng bằng “Gia đình có công với nước”;
    b) Bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

    Tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

    1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
    2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

    Ngoài ra, tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về phân loại tội phạm như sau:

    1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
    b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

    Như vậy, với hành vi vi phạm về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì mức phạt cao nhất là có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

    Theo đó, đây là hành vi tội phạm nghiêm trọng theo quy định về phân loại tội phạm của pháp luật. Nên mức tiền phải đặt để bảo đảm là không dưới 100.000.000 đồng. Do đó, việc con trai xin đặt tiền đảm bảo với số tiền là 10 tỷ là phù hợp theo quy định của pháp luật.

    3. Việc đặt tiền để bảo đảm thay đổi biện pháp ngăn chặn được thực hiện như thế nào?

    Tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định về việc đặt tiền để bảo đảm được thực hiện như sau:

    2. Việc đặt tiền để bảo đảm được thực hiện như sau:
    a) Trường hợp nộp tiền tại Kho bạc nhà nước thì người được bị can, bị cáo ủy quyền, người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người đại diện của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mang theo Thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm để Kho bạc Nhà nước kiểm tra và làm các thủ tục nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra hoặc của Tòa án nhân dân nơi có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Người nộp lập 3 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản (theo mẫu của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách, Kho bạc). Trong đó, 01 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản để báo Có cho chủ tài khoản, 01 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản trả lại cho người nộp. Chủ tài khoản tạm giữ có trách nhiệm tổng hợp các đương sự đã nộp tiền để bảo đảm gửi cho cơ quan đã ra Thông báo về việc đặt tiền để bảo đảm.
    Sau khi hoàn tất thủ tục nộp tiền, Kho bạc Nhà nước lưu 01 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản, trả 01 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản kèm Thông báo về việc đặt tiền để đảm bảo cho người nộp tiền, gửi 01 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản cho chủ tài khoản tạm giữ để báo Có.
    b) Trường hợp nộp tiền tại cơ quan tài chính trong Quân đội thì cơ quan nhận tiền có trách nhiệm lập biên bản giao nhận tiền nộp, có chữ ký xác nhận của bên nộp tiền, bên nhận tiền.
    Biên bản được lập thành 03 bản, trong đó 01 bản giao cho đại diện cơ quan ra Thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm, 01 bản giao cho người nộp tiền, 01 bản lưu tại cơ quan tài chính đã lập biên bản.

    Trên đây là quy định của pháp luật về việc đặt tiền để bảo đảm để thay đổi biện pháp ngăn chặn.

    45
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ