11:48 - 11/11/2024

Có được ghi tên hàng hóa trên hóa đơn là tên nước ngoài không?

Có được ghi tên hàng hóa trên hóa đơn là tên nước ngoài không? Khai sai tên hàng hóa quá cảnh trong tờ khai hải quan bị phạt bao nhiêu tiền? Nhãn hàng hóa các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện nội dung nào?

Nội dung chính

    Có được ghi tên hàng hóa trên hóa đơn là tên nước ngoài không?

    Tại Điểm a Khoản 6 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định như sau: 

    6. Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.

    a) Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ

    - Tên hàng hóa, dịch vụ: Trên hóa đơn phải thể hiện tên hàng hóa, dịch vụ bằng tiếng Việt. Trường hợp bán hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau thì tên hàng hóa thể hiện chi tiết đến từng chủng loại (ví dụ: điện thoại Samsung, điện thoại Nokia…). Trường hợp hàng hóa phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu thì trên hóa đơn phải thể hiện các số hiệu, ký hiệu đặc trưng của hàng hóa mà khi đăng ký pháp luật có yêu cầu. Ví dụ: Số khung, số máy của ô tô, mô tô, địa chỉ, cấp nhà, chiều dài, chiều rộng, số tầng của một ngôi nhà…

    Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ được giao dịch có quy định về mã hàng hóa, dịch vụ thì trên hóa đơn phải ghi cả tên và mã hàng hóa, dịch vụ.

    Theo đó, trên hóa đơn phải thể hiện tên hàng hóa bằng tiếng Việt, trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài phải được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. 

    Khai sai tên hàng hóa quá cảnh trong tờ khai hải quan bị phạt bao nhiêu tiền?

    Theo Khoản 2 và Khoản 6 Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định như sau: 

    2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi khai sai so với thực tế về lượng (tang vật có trị giá trên 10.000.000 đồng), tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa và thuộc một trong các trường hợp sau:

    a) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, hàng hóa trung chuyển;

    b) Hàng hóa sử dụng, tiêu hủy trong khu phi thuế quan.

    6. Vi phạm quy định về khai hải quan tại Điều này mà người khai hải quan tự phát hiện và khai bổ sung quá thời hạn quy định thì bị xử phạt như sau:

    a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

    b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

    c) Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

    d) Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

    đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;

    Bên cạnh đó, Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định như sau: 

    a) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

    Với quy định này thì khi bạn khai sai tên hàng hóa quá cảnh trong tờ khai hải quan thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng. 

    Nếu người khai hải quan tự phát hiện và khai bổ sung quá thời hạn quy định thì sẽ bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

    Nhãn hàng hóa các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện nội dung nào?

    Căn cứ Khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, theo đó: 

    1.Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:

    a) Tên hàng hóa;

    b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

    c) Xuất xứ hàng hóa.

    Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;

    d) Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.

    Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.

    Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

    Như vậy, nhãn hàng hóa các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện nội dung nêu trên theo quy định.

    Trân trọng!

    373
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ