17:35 - 18/11/2024

Có được đi nghĩa vụ quân sự khi dương vật bé hay không?

Có được đi nghĩa vụ quân sự khi dương vật bé hay không? Có cần chứng minh nhân dân khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự hay không? Thiếu 1 bên tinh hoàn vẫn có thể tham gia nghĩa vụ quân sự? 

Nội dung chính

    Có được đi nghĩa vụ quân sự khi dương vật bé hay không?

    Cho em hỏi dương vật của em hơi bé thì có được đi nghĩa vụ quân sự không ạ? Em nghe nói đi khám phải khám hết cả. Em cảm ơn.

    Trả lời:

    Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP thì chỉ tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 nhập ngũ theo tiêu chuẩn phân loại sức khỏe tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

    Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP thì dựa vào số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phân loại sức khỏe, cụ thể như sau:

    - Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1;

    - Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;

    - Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;

    - Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;

    - Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;

    - Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

    Theo đó, các dị tật dương vật dẫn đến việc công dân không đảm bảo điều kiện về sức khỏe để được đi nghĩa vụ quân sự được quy định tại số thứ tự 146 Mục II Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP bao gồm:

    - Lỗ đái lệch thấp (hypospadias) => 5 điểm;

    - Lỗ đái lệch cao => 6 điểm;

    - Cụt dương vật => 6 điểm;

    - Niệu đạo kép => 6 điểm.

    Như vậy, trong số các dị tật về dương vật ảnh hưởng đến tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì không có dương vật bé. Do vậy, trường hợp anh đáp ứng các điều kiện khác để được tuyển chọn nhập ngũ thì anh vẫn được tham gia nghĩa vụ quân sự theo quy định.

    Có cần chứng minh nhân dân khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự hay không?

    Em muốn hỏi, sắp tới em về quê khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, cho em hỏi khi đến khám có cần phải có chứng minh nhân dân hay không?

    Trả lời:

    Căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự như sau:

    - Phải xuất trình

    + Lệnh gọi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện;

    + Giấy chứng minh nhân dân.

    Như vậy, việc đi khám sức khỏe để tham gia nghĩa vụ quân sự phải xuất trình chứng minh nhân dân theo quy định.

    Thiếu 1 bên tinh hoàn vẫn có thể tham gia nghĩa vụ quân sự?

    Nhờ tư vấn trường hợp một người bị thiếu mất một bên tinh hoàn thì có thể tham gia nghĩa vụ quân sự hay không?

    Trả lời:

    Căn cứ Phụ lục 1 Phân loại sức khỏe theo thể lực và bệnh tật (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP), có quy định:

    Thiếu 1 bên tinh hoàn: Điểm 3

    Theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP thì căn cứ vào số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phân loại sức khỏe của công dân tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, cụ thể như sau:

    - Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1;

    - Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;

    - Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;

    - Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;

    - Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;

    - Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

    Như vậy người bị thiếu một bên tinh hoàn sẽ có sức khỏe loại 3.

    Và Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP có quy định về tiêu chuẩn sức khỏe để tuyển quân như sau:

    Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

    Như vậy, từ các quy định trên thì người bị thiếu một bên tinh hoàn vẫn có thể được tuyển chọn tham gia nghĩa vụ quân sự.

    Trân trọng! 

    2