17:05 - 17/12/2024

Cổ đông sáng lập của công ty cổ phần cần đáp ứng điều kiện gì? Cổ đông sáng lập có được chuyển nhượng cổ phần khi doanh nghiệp mới thành lập?

Để trở thành cổ đông sáng lập cần đáp ứng những điều kiện gì? Cổ đông sáng lập có được chuyển nhượng cổ phần khi doanh nghiệp mới thành lập?

Nội dung chính

    Để trở thành cổ đông sáng lập của công ty cổ phần cần đáp ứng những điều kiện gì?

    Căn cứ Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

    Giải thích từ ngữ
    ...
    4. Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định như sau:

    Thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần chưa niêm yết
    1. Cổ đông sáng lập quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong Danh sách cổ đông sáng lập nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.

    Ngoài ra, khoản 2 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập, theo đó:

    Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập
    ...
    2. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

    Như vậy, để trở thành một cổ đông sáng lập cần đáp ứng các điều kiện như

    + Sở hữu ít nhất 01 cổ phần phổ thông

    + Ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp

    + Cùng đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.

    Cổ đông sáng lập của công ty cổ phần cần đáp ứng điều kiện gì? Cổ đông sáng lập có được chuyển nhượng cổ phần khi doanh nghiệp mới thành lập?

     

    Cổ đông sáng lập của công ty cổ phần cần đáp ứng điều kiện gì? Cổ đông sáng lập có được chuyển nhượng cổ phần khi doanh nghiệp mới thành lập? (Hình ảnh từ Internet)

    Cổ đông sáng lập có được chuyển nhượng cổ phần khi doanh nghiệp mới thành lập?

    Căn cứ tại khoản 1 Điều 127 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định:

    Chuyển nhượng cổ phần
    1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
    2. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
    3. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty.
    4. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
    5. Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho cá nhân, tổ chức khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Cá nhân, tổ chức được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty.
    6. Cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.
    7. Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty.

    Dẫn chiếu khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

    Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập
    ...
    3. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.

    Như vậy, theo quy định nêu trên thì trong 3 năm đầu kể từ thời điểm được cấp Giấy phép hoạt động thì cổ đông sáng lập được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho các cổ đông sáng lập khác.

    Trường hợp muốn chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập thì phải được Đại hội đồng cổ đông đồng ý.

    Cổ đông của công ty cổ phần sẽ có những nghĩa vụ gì?

    Căn cứ vào Điều 119 Luật Doạnh nghiệp 2020 quy định về nghĩa vụ của cổ đông như sau:

    - Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua.

    - Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần.

    Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.

    - Tuân thủ Điều lệ công ty và quy chế quản lý nội bộ của công ty.

    - Chấp hành nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.

    - Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

    - Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

    8