Có bắt buộc phải nộp đơn ly hôn tại nơi đăng ký kết hôn không?
Nội dung chính
Đăng ký kết hôn tại nơi đăng ký tạm trú được không?
Căn cứ tại Điều 17 Luật Hộ tịch 2014 có quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn như sau:
Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
2. Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:
a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Như vậy, nơi thực hiện đăng ký kết hôn là ở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ.
Bên cạnh đó, quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định về cư trú như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
2. Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã).
...
5. Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú.
…
Theo quy định trên thì công dân Việt Nam có thể đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tạm trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tạm trú nếu kết hôn có yếu tố nước ngoài (theo Điều 37 Luật Hộ tịch 2014).
Có bắt buộc phải nộp đơn ly hôn tại nơi đăng ký kết hôn không? (Hình từ internet)
Có bắt buộc phải nộp đơn ly hôn tại nơi đăng ký kết hôn không?
Nơi nộp đơn ly hôn thuận tình
Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
...
2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
...
h) Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;"
Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 2 Điều 35; khoản 3, khoản 4 Điều 35Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nơi nộp đơn ly hôn thuận tình như sau:
- Nếu vợ hoặc chồng ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì nộp đơn tại TAND cấp tỉnh nơi vợ hoặc chồng cư trú, làm việc.
- Nếu vợ hoặc chồng đều ở Việt Nam, không cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì nộp đơn tại TAND cấp huyện nơi vợ hoặc chồng cư trú, làm việc.
- Nếu vợ hoặc chồng là công dân của các nước có chung biên giới với Việt Nam thì nộp đơn tại TAND cấp huyện nơi vợ hoặc chồng là người Việt Nam cư trú, làm việc.
Nơi nộp đơn ly hôn đơn phương
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 35; khoản 3, khoản 4 Điều 35; khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nơi nộp đơn ly hôn đơn phương như sau:
- Nếu không có yếu tố nước ngoài:
+ Nộp đơn tại TAND cấp huyện nơi cư trú, nơi làm việc của người muốn ly hôn trong trường hợp hai bên thỏa thuận.
+ Nộp đơn tại TAND cấp huyện nơi cư trú, làm việc của người còn lại trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận.
- Nếu có yếu tố nước ngoài:
+ Nộp đơn tại TAND cấp tỉnh nơi cư trú, nơi làm việc của người muốn ly hôn trong trường hợp hai bên thỏa thuận.
+ Nộp đơn tại TAND cấp tỉnh nơi cư trú, làm việc của người còn lại trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận.
Lưu ý: Đối với trường hợp ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì nộp đơn tại TAND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.
Những hậu quả pháp lý cho việc hủy kết hôn trái pháp luật là gì?
Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 12 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật như sau:
- Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
- Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, cụ thể:
+ Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.+ Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.