19:46 - 06/11/2024

Có bắt buộc phải có hội thẩm là giáo viên khi giải quyết vụ án hình sự người dưới 18 tuổi không?

Có bắt buộc phải có hội thẩm là giáo viên khi giải quyết vụ án hình sự người dưới 18 tuổi không? Có cần thầy cô giáo của nhà trường tham dự phiên tòa giải quyết vụ án hình sự người dưới 18 tuổi không? Luật sư bảo vệ cho người bị hại dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự có thể tham gia tố tụng từ giai đoạn nào?

Nội dung chính

    Có bắt buộc phải có hội thẩm là giáo viên khi giải quyết vụ án hình sự người dưới 18 tuổi không?

    Căn cứ Điều 6 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định phân công Thẩm phán, Hội thẩm như sau:

    Khi giải quyết vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán, Hội thẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

    1. Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.

    2. Có 01 Hội thẩm là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

    Như vậy, đối với vụ án hình sự người dưới 18 tuổi thì không nhất thiết có Hội thẩm là giáo viên mà có thể thay thế bằng cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

    Có bắt buộc phải có hội thẩm là giáo viên khi giải quyết vụ án hình sự người dưới 18 tuổi không?

    Có bắt buộc phải có hội thẩm là giáo viên khi giải quyết vụ án hình sự người dưới 18 tuổi không? (Hình từ Internet) 

    Có cần thầy cô giáo của nhà trường tham dự phiên tòa giải quyết vụ án hình sự người dưới 18 tuổi không?

    Theo Điều 8 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định việc tham gia phiên tòa của người đại diện, nhà trường, cơ quan, tổ chức như sau:

    1. Những người sau đây phải có mặt tại phiên tòa theo quyết định của Tòa án:

    a) Người đại diện của người dưới 18 tuổi;

    b) Đại diện nhà trường nơi người dưới 18 tuổi học tập;

    c) Đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi lao động, sinh hoạt.

    2. Trường hợp những người được quy định tại khoản 1 Điều này vắng mặt lần thứ nhất hoặc vắng mặt lần thứ hai vì lý do bất khả kháng, do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa.

    Trường hợp những người quy định tại khoản 1 Điều này vắng mặt lần thứ hai không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhưng để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể hoãn phiên tòa.

    Như vậy, khi xét xử giải quyết vụ án người dưới 18 tuổi thì cần phải có mặt đại diện nhà trường nơi người dưới 18 tuổi học tập (có thể là thầy cô giáo đang công tác tại nhà trường). Trường hợp đại diện của nhà trường vắng mặt thì Tòa án có thể xem xét hoãn phiên tòa theo quy định trên.

     Luật sư bảo vệ cho người bị hại dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự có thể tham gia tố tụng từ giai đoạn nào?

    Căn cứ Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng, theo đó: 

    Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

    Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

    Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

    Tại Điều 9 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định việc tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi như sau:

    1. Người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ có quyền nhờ những người sau đây bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi:

    a) Luật sư;

    b) Trợ giúp viên pháp lý;

    c) Bào chữa viên nhân dân;

    d) Người khác.

    2. Tòa án phải thông báo cho người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ về quyền nhờ những người quy định tại khoản 1 Điều này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi. Trường hợp họ không lựa chọn được người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại nhưng có văn bản đề nghị thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi.

    3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ; có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ; có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

    Như vậy, Luật sư bảo vệ cho người bị hại là người dưới 18 tuổi có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ.

     

    20