19:58 - 06/11/2024

Chương trình, nội dung, thời lượng giáo dục định hướng trong việc đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động

Chương trình giáo dục định hướng trong việc đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động có nội dung và thời lượng được quy định như thế nào? Mong được anh/chị hướng dẫn.

Nội dung chính

    Chương trình, nội dung, thời lượng giáo dục định hướng trong việc đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động

    Căn cứ Phụ lục XII ban hành ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH có quy định về chương trình, nội dung, thời lượng giáo dục định hướng trong việc đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động như sau:

    1. Truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam 

    (thời lượng: 02 tiết, bao gồm: 02 tiết lý thuyết)

    a) Nhiệm vụ giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc khi sống và làm việc ở nước ngoài;

    b) Trách nhiệm công dân của người lao động khi ra làm việc ở nước ngoài;

    c) Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, lợi ích của hoạt động này đối với bản thân, gia đình người lao động và đối với xã hội.

    Chương trình, nội dung, thời lượng giáo dục định hướng trong việc đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động

    Chương trình, nội dung, thời lượng giáo dục định hướng trong việc đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động (Hình từ Internet)

    2. Kiến thức cơ bản về pháp luật Việt Nam và pháp luật nước tiếp nhận lao động 

    (thời lượng: 07 tiết, bao gồm: 07 tiết lý thuyết)

    a) Pháp luật của Việt Nam: những quy định liên quan đến việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong Bộ Luật Lao động; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn; quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; các quy định về xuất nhập cảnh; quy định của Bộ Luật Dân sự và các văn bản quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

    b) Luật pháp của nước tiếp nhận lao động: các quy định về nhập cư, xuất nhập cảnh liên quan đến lao động nước ngoài; điều kiện làm việc; các chế độ bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…); chế độ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản; các chế độ bồi thường cho lao động nước ngoài; các hành vi vi phạm pháp luật và xử phạt; quy định về an toàn giao thông;

    c) Nghĩa vụ chấp hành, tuân thủ pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

    3. Nội dung cơ bản của các loại hợp đồng liên quan đến việc người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 

    (thời lượng: 06 tiết, bao gồm: 06 tiết lý thuyết)

    a) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với người lao động); hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài (doanh nghiệp Việt Nam ký với người lao động về việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài);

    b) Hợp đồng lao động (người sử dụng lao động ký với người lao động);

    c) Hợp đồng ký quỹ, hợp đồng bảo lãnh;

    d) Quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện các điều khoản đã ghi trong hợp đồng.

    Doanh nghiệp phổ biến cho người lao động nội dung các loại hợp đồng phù hợp với hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

    4. Kỹ năng chi tiêu, tiết kiệm, gửi tiền về nước trong thời gian làm việc ở nước ngoài

     (thời lượng: 04 tiết, bao gồm: 03 tiết lý thuyết, 01 tiết thực hành)

    a) Lập kế hoạch chi tiêu ở nước ngoài, xác định nhu cầu và mong muốn trong chi tiêu, quỹ rủi ro;

    b) Lập kế hoạch sử dụng tiền tiết kiệm: đầu tư vào giáo dục, trả nợ, xây nhà, kinh doanh, ….

    c) Các kênh gửi tiền về nước an toàn, dịch vụ chuyển tiền chính thống và không chính thống, ưu điểm và nhược điểm.

    5. Kỷ luật lao động, an toàn và vệ sinh lao động (thời lượng: 12 tiết, bao gồm: 06 tiết lý thuyết, 06 tiết thực hành)

    a) Nội quy lao động tại nơi làm việc;

    b) Hướng dẫn các quy định, nội quy về an toàn lao động và vệ sinh lao động;

    c) Trang thiết bị bảo hộ cá nhân và cách sử dụng;

    d) Các dạng tai nạn lao động tại nơi làm việc; các loại bệnh nghề nghiệp và cách phòng ngừa;

    đ) Những vi phạm nội quy, kỷ luật, an toàn, vệ sinh lao động mà người lao động Việt Nam hay mắc phải và cách phòng tránh.

    6. Phong tục tập quán, văn hóa của nước tiếp nhận người lao động 

    (thời lượng: 03 tiết, bao gồm: 03 tiết lý thuyết)

    a) Giới thiệu về đất nước, con người, vị trí địa lý tự nhiên, dân số, danh lam thắng cảnh;

    b) Tôn giáo, phong tục tập quán đặc trưng;

    c) Văn hóa, nghệ thuật truyền thống, nếp sống, thói quen sinh hoạt của người bản địa, kinh nghiệm giao tiếp;

    d) Những chuẩn mực đạo đức;

    đ) Văn hóa ứng xử xã hội;

    e) Những điểm cần lưu ý về tôn giáo, phong tục tập quán, văn hóa của nước tiếp nhận lao động.

    7. Cách thức ứng xử trong lao động và đời sống 

    (thời lượng: 10 tiết, bao gồm: 06 tiết lý thuyết, 04 tiết thực hành)

    a) Trong lao động:

    a1) Cách ứng xử và trình tự giải quyết những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động với chủ sử dụng lao động; với đại diện công ty môi giới, đại diện doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc người được doanh nghiệp ủy quyền;

    a2) Cách ứng xử với người lao động cùng làm việc trong nhà máy (người lao động Việt Nam, người lao động các nước khác và nước sở tại).

    b) Trong đời sống:

    b1) Chấp hành những nội quy, quy định tại nơi công cộng, nơi ở;

    b2) Các hành vi vi phạm trật tự xã hội bị nghiêm cấm: tệ nạn cờ bạc, đánh nhau, chửi nhau, tàng trữ và phân tán các ấn phẩm đồi trụy;

    b3) Cách ứng xử và trình tự giải quyết những vấn đề phát sinh khi các điều kiện ăn ở và sinh hoạt của người lao động không được đảm bảo;

    b4) Những điều cấm kỵ: nấu rượu, bắt và giết động vật như chó, mèo, chim.

    b5) Những sai phạm trong ứng xử mà người lao động Việt Nam hay mắc phải và cách khắc phục.

    8. Sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, giao thông, mua bán, sử dụng các dụng cụ, thiết bị phục vụ sinh hoạt đời sống hàng ngày

     (thời lượng: 08 tiết, bao gồm: 04 tiết lý thuyết, 04 tiết thực hành)

    a) Hướng dẫn các thủ tục xuất cảnh tại Việt Nam và nhập cảnh tại nước đến lao động;

    b) Hướng dẫn chuẩn bị tư trang, hành lý mang theo;

    c) Hướng dẫn sử dụng các phương tiện giao thông: máy bay, tàu hỏa, xe buýt, taxi, tàu điện ngầm, xe máy, xe đạp;

    d) Những việc cần biết và thực hiện ngay khi đến nơi làm việc (nhận nơi ở, các trang thiết bị được cung cấp tại nơi ở; cách sử dụng các dụng cụ, thiết bị phục vụ sinh hoạt hàng ngày như bếp ga, lò vi sóng, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy hút bụi, điện thoại, in-ter-net);

    đ) Sử dụng tiền bản địa trong giao dịch hàng ngày; hệ thống thương mại của nước sở tại và cách mua bán tại các siêu thị, chợ;

    e) Những tồn tại của người lao động Việt Nam trong lĩnh vực này và cách khắc phục.

    9. Kiến thức cơ bản về cưỡng bức lao động, phòng chống buôn bán người, bình đẳng giới, lạm dụng tình dục, bạo lực giới và các kỹ năng phòng ngừa 

    (thời lượng:08 tiết, bao gồm: 05 tiết lý thuyết, 03 tiết thực hành)

    a) Khái niệm về cưỡng bức lao động, buôn bán người và các kỹ năng phòng ngừa;

    b) Khái niệm bình đẳng giới, bạo lực giới và các kỹ năng phòng ngừa; vấn đề bình đẳng giới tại nước tiếp nhận lao động;

    c) Lạm dụng tình dục, quấy rối tình dục và cách phòng chống;

    d) Kỹ năng ứng phó trong các trường hợp bị cưỡng bức lao động, buôn bán người, phân biệt đối xử về giới, lạm dụng tình dục, bạo lực giới;

    đ) Kỹ năng phòng, chống và cách ứng phó bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử với người nước ngoài.

    10. Nội dung cơ bản về bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và những vấn đề cần phòng ngừa trong thời gian làm việc ở nước ngoài

     (thời lượng: 06 tiết, bao gồm: 04 tiết lý thuyết, 02 tiết thực hành)

    a) Khái niệm và nội dung bảo hộ công dân, cơ quan chịu trách nhiệm bảo hộ công dân ở trong nước và ngoài nước;

    b) Phòng cháy, chữa cháy; tai nạn giao thông; đuối nước; dịch bệnh nguy hiểm;

    c) Cách phòng tránh các thảm họa thiên tai, như: bão lụt, động đất, sóng thần;

    d) Phòng tránh ma túy, mại dâm, HIV, AIDS, các bệnh truyền nhiễm;

    đ) Những thủ đoạn lừa đảo, trộm cướp, bạo lực, lôi kéo bỏ hợp đồng trốn ra ngoài làm ăn phi pháp và những việc cần làm khi có vụ việc xảy ra.

    11. Định hướng về việc tiếp cận cơ hội việc làm sau khi về nước 

    (thời lượng: 02 tiết, bao gồm: 02 tiết lý thuyết)

    a) Trau dồi kỹ năng và ngoại ngữ trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

    b) Kết nối với các sàn giao dịch việc làm trong nước, trung tâm giới thiệu việc làm ở địa phương, học thêm các kỹ năng.

    12. Thông tin về các địa chỉ và đường dây nóng hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn trong thời gian làm việc ở nước ngoài

     (thời lượng: 1 tiết, bao gồm: 01 tiết lý thuyết)

    Cung cấp và hướng dẫn về số điện thoại, địa chỉ cần liên hệ của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện quản lý của doanh nghiệp, cảnh sát, cứu hỏa, đường dây nóng của các cơ quan chức năng có liên quan của nước tiếp nhận lao động, tổng đài điện thoại hỗ trợ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, số điện thoại phản ánh thông tin về Cục Quản lý lao động ngoài nước, kênh giải quyết khiếu nại, tố cáo… để người lao động có thể sử dụng khi cần thiết.

    13. Ôn tập và kiểm tra 

    (thời lượng: 05 tiết).

    14. Các nội dung khác

    Đối với các thị trường, ngành, nghề, công việc có thỏa thuận giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận lao động ngoài quy định về nội dung, chương trình và thời lượng giáo dục định hướng nêu trên, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện theo thỏa thuận.

    398
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ