16:17 - 08/11/2024

Chứng từ thanh toán giao dịch chứng khoán được quy định như thế nào?

Chứng từ thanh toán giao dịch chứng khoán được quy định như thế nào? Quy định về hoàn tất thanh toán giao dịch chứng khoán như thế nào? Cơ chế hỗ trợ tiền thanh toán giao dịch chứng khoán như thế nào?

Nội dung chính

    Chứng từ thanh toán giao dịch chứng khoán được quy định như thế nào?

    Tại Điều 9 Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 109/QĐ-VSD năm 2022 chứng từ thanh toán giao dịch chứng khoán được quy định như sau:

    1. Các chứng từ thanh toán tiền và chứng khoán áp dụng dưới dạng chứng từ điện tử trong Quy chế này được quy định chi tiết tại Phụ lục 01 đính kèm Quy chế này. Trong trường hợp cần thiết, VSD hoặc Thành viên, Tổ chức mở tài khoản trực tiếp có thể đề nghị chuyển đổi chứng từ dưới dạng chứng từ điện tử sang chứng từ giấy theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

    Các chứng từ điện tử của VSD khi chuyển đổi sang chứng từ giấy sẽ được đóng dấu có ký hiệu như sau:

    TRUNG TÂM

    LƯU KÝ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

    CHỨNG TỪ CHUYỂN ĐỔI TỪ

    CHỨNG TỪ ĐIỆN TỬ

    Họ và tên:

    Chữ ký:

    Thời gian thực hiện chuyển đổi:

    2. Trường hợp Thành viên, Tổ chức mở tài khoản trực tiếp không thể gửi, nhận các chứng từ thanh toán dưới dạng chứng từ điện tử theo quy định tại Quy chế này do chưa hoàn tất việc kết nối hoặc bị ngắt kết nối cổng giao tiếp điện tử/cổng giao tiếp trực tuyến với VSD, việc gửi, nhận các thông tin danh sách này sẽ thực hiện qua địa chỉ email có gắn chữ ký số xacnhan-kqgd@vsd.vn của VSD và địa chỉ email mà Thành viên, Tổ chức mở tài khoản trực tiếp đã đăng ký với VSD.

    Quy định về hoàn tất thanh toán giao dịch chứng khoán như thế nào?

    Tại Điều 10 Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 109/QĐ-VSD năm 2022 quy định về hoàn tất thanh toán giao dịch chứng khoán như sau:

    1. Sau khi hoàn tất thanh toán giao dịch chứng khoán, VSD gửi Thông báo xác nhận hoàn tất thanh toán giao dịch chứng khoán dưới dạng chứng từ điện tử thông qua cổng giao tiếp điện tử/cổng giao tiếp trực tuyến cho Thành viên và qua email cho Tổ chức mở tài khoản trực tiếp.

    2. Thành viên phải thực hiện phân bổ tiền và chứng khoán cho khách hàng ngay sau khi VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán và ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền và đảm bảo hoàn tất việc phân bổ trước 13h00 ngày thanh toán đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm, trước 15h00 ngày thanh toán đối với trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời thông báo cho VSD về kết quả thực hiện chậm nhất vào 16h30 ngày thanh toán. Thành viên gửi Thông báo kết quả thực hiện phân bổ cho VSD dưới dạng chứng từ điện tử thông qua cổng giao tiếp điện tử.

    Cơ chế hỗ trợ tiền thanh toán giao dịch chứng khoán như thế nào?

    Tại Điều 12 Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 109/QĐ-VSD năm 2022 quy định cơ chế hỗ trợ tiền thanh toán giao dịch chứng khoán như sau:

    1. Nguyên tắc xác định Thành viên tạm thời mất khả năng thanh toán tiền:

    a. Thời điểm chốt số dư tài khoản tiền gửi thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán của Thành viên tại Ngân hàng thanh toán để xác định khả năng thanh toán là 10h00 ngày thanh toán đối với các giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và các giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm.

    b. Sau thời điểm nêu trên, các Thành viên không đủ số dư để thực hiện nghĩa vụ thanh toán các giao dịch chứng khoán liên quan được coi là tạm thời mất khả năng thanh toán tiền và VSD sẽ tự động thực hiện việc khắc phục tình trạng thiếu tiền theo cơ chế và thủ tục hỗ trợ tiền quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Cơ chế hỗ trợ tiền cho Thành viên được áp dụng trong trường hợp Thành viên tạm thời mất khả năng thanh toán tiền giao dịch chứng khoán:

    2.1. Sử dụng tiền vay từ Quỹ hỗ trợ thanh toán: Thành viên mất khả năng thanh toán được nhận mức hỗ trợ tối đa là 25 tỷ đồng/thành viên trong các trường hợp sau:

    a. Trường hợp có 01 Thành viên mất khả năng thanh toán tiền giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm và trái phiếu doanh nghiệp với tổng số tiền thiếu hụt từ 25 tỷ đồng trở xuống;

    b. Trường hợp có từ 02 Thành viên trở lên đồng thời mất khả năng thanh toán tiền giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm và trái phiếu doanh nghiệp trong cùng ngày thanh toán với tổng số tiền thiếu hụt từ 30 tỷ đồng trở xuống.

    2.2. Cơ chế sử dụng tiền vay từ Ngân hàng thanh toán:

    a. Trường hợp có 01 Thành viên mất khả năng thanh toán tiền giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm và trái phiếu doanh nghiệp với tổng số tiền thiếu hụt vượt quá 25 tỷ đồng;

    b. Trường hợp có từ 02 Thành viên trở lên đồng thời mất khả năng thanh toán tiền giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm và trái phiếu doanh nghiệp trong cùng ngày thanh toán với tổng số tiền thiếu hụt vượt quá 30 tỷ đồng.

    3. Các giao dịch chứng khoán bị thiếu tiền thanh toán sau khi đã áp dụng cơ chế hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không thể khắc phục được sẽ bị lùi thời hạn thanh toán theo quy định tại Điều 17 của Quy chế này.

    Trân trọng!

    11