Chủ nhà có phải mua Bảo hiểm y tế cho người giúp việc? Được cắt Bảo hiểm y tế ở công ty để về nhà không?
Nội dung chính
Chủ nhà có phải mua bảo hiểm y tế cho người giúp việc?
Tôi muốn hỏi chuyên viên tới đây chủ nhà có phải mua bảo hiểm y tế cho người giúp việc không? Cảm ơn.
Trả lời: Tại Điều 163 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về việc chủ nhà có phải mua bảo hiểm y tế cho người giúp việc, như sau:
- Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.
- Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.
- Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.
- Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.
- Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
=> Như vậy, chủ nhà sẽ không phải trực tiếp đi mua BHYT cho người giúp việc tại cơ quan bảo hiểm nhưng phải trả tiền khoản tiền đóng BHYT để người giúp việc tự mình đi mua BHYT.
Có được cắt BHYT ở công ty để về đóng ở nhà không?
Cho em hỏi công ty em đang đóng BHXH theo tháng nhưng em có nghe thông tin những tháng gần đây công ty chưa đóng tiền BHYT. Vậy em muốn cắt BHYT và về nhà mua BHYT hộ gia đình mà vẫn đóng BHXH tại công ty được không ạ?
Trả lời: Theo Khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 thì các đối tượng tham gia BHYT gồm có:
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
b) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
.....
5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
Khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định:
Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.
Từ các quy định nêu trên, có thể thấy anh/chị là NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (đối tượng được liệt kê đầu tiên) => thì sẽ đóng BHYT theo đối tượng này.
Và theo Khoản 1 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trách nhiệm tham gia bảo hiểm như sau:
Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
=> Như vậy, anh/chị ký hợp đồng lao động với công ty thì phải tham gia BHYT ở công ty, không được cắt BHYT ở công ty để đóng BHYT tự nguyện.
Đã có BHYT mã KC4 thì không cần đóng BHYT ở công ty nữa đúng không?
Hiện tôi có hai thẻ BHYT - KC2 79 79..... Tôi muốn sử dụng thẻ KC và không cần thiết mua BHYT doanh nghiệp được không? Tôi mới ký hợp đồng lao động với 1 công ty may mặc.
Trả lời: Theo Khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 thì các đối tượng tham gia BHYT gồm có:
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
.....
3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
d) Người có công với cách mạng, cựu chiến binh;
Khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định:
Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.
Và theo Khoản 1 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trách nhiệm tham gia bảo hiểm như sau:
Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
=> Theo thông tin cung cấp và các quy định nêu trên, anh vừa là đối tượng tham gia BHYT do NLĐ, NSDLĐ đóng, vừa là đối tượng do ngân sách nhà nước đóng BHYT.
Có thể thấy: đối tượng NLĐ, NSDLĐ đóng BHYT là đối tượng được liệt kê đầu tiên => Cho nên anh sẽ đóng BHYT theo đối tượng này (phải tham gia BHYT ở công ty).
Ngoài ra, Khoản 15 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định mức hưởng BHYT như sau:
Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Theo đó, tuy anh tham gia BHYT ở công ty nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất (tức là đối tượng do ngân sách nhà nước đóng BHYT).