15:59 - 26/09/2024

Chiều rộng, độ dốc của thang bộ dùng để thoát người trong an toàn cháy cho nhà và công trình

Quy định về chiều rộng và độ dốc của thang bộ dùng để thoát người trong an toàn cháy cho nhà và công trình? Tôi có nhu cầu tìm hiểu về vấn đề như trên khi nghiên cứu các quy định của pháp luật về an toàn cháy cho nhà và công trình, để phục vụ công việc.

Nội dung chính

    Chiều rộng của thang bộ dùng để thoát người trong an toàn cháy cho nhà và công trình

    Căn cứ Tiết 3.4.1 Tiểu mục 3.4 Mục 3 QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình ban hành kèm theo Thông tư 02/2021/TT-BXD có quy định như sau:

    Chiều rộng của bản thang bộ dùng để thoát người, trong đó kể cả bản thang đặt trong buồng thang bộ, không được nhỏ hơn chiều rộng tính toán hoặc chiều rộng của bất kỳ lối ra thoát nạn (cửa đi) nào trên nó, đồng thời không được nhỏ hơn:

    - 1,35 m - đối với nhà nhóm F1.1.

    - 1,2 m - đối với nhà có số người trên tầng bất kỳ, trừ tầng một, lớn hơn 200 người.

    - 0,7 m - đối với cầu thang bộ dẫn đến các chỗ làm việc đơn lẻ.

    - 0,9 m - đối với tất cả các trường hợp còn lại.

    Theo Tiết 3.4.3 Tiểu mục này:

    - Chiều rộng của chiếu thang bộ phải không nhỏ hơn chiều rộng của bản thang. Còn chiều rộng của chiếu thang ở trước lối vào thang máy (chiếu thang đồng thời là sảnh của thang máy) đối với thang máy có cánh cửa bản lề mở ra, phải không nhỏ hơn tổng chiều rộng bản thang và một nửa chiều rộng cánh cửa của thang máy, nhưng không nhỏ hơn 1,6 m.

    - Các chiếu nghỉ trung gian trong bản thang bộ thẳng phải có chiều dài không nhỏ hơn 1,0 m.

    - Các cửa đi có cánh cửa mở vào buồng thang bộ thì khi mở, cánh cửa không được làm giảm chiều rộng tính toán của các chiếu thang và bản thang.

    Độ dốc của thang bộ dùng để thoát người trong an toàn cháy cho nhà và công trình

    Căn cứ Tiết 3.4.2 Tiểu mục này có quy định như sau:

    - Độ dốc (góc nghiêng) của các thang bộ trên các đường thoát nạn không được lớn hơn 1:1 (45o); chiều rộng mặt bậc không được nhỏ hơn 25 cm, còn chiều cao bậc không được lớn hơn 22 cm.

    - Độ dốc (góc nghiêng) của các cầu thang bộ hở đi tới các chỗ làm việc đơn lẻ cho phép tăng đến 2:1 (63,5o).

    - Cho phép giảm chiều rộng mặt bậc của cầu thang cong đón tiếp (thường bố trí ở sảnh tầng 1) ở phần thu hẹp tới 22 cm; Cho phép giảm chiều rộng mặt bậc tới 12 cm đối với các cầu thang bộ chỉ dùng cho các gian phòng có tổng số chỗ làm việc không lớn hơn 15 người (trừ các gian phòng nhóm F5 hạng A hoặc B).

    - Các cầu thang bộ loại 3 phải được làm bằng vật liệu không cháy và được đặt ở sát các phần đặc (không có ô cửa sổ hay lỗ ánh sáng) của tường có nhóm nguy hiểm cháy không thấp hơn K1 và có giới hạn chịu lửa không thấp hơn REI 30. Các cầu thang bộ này phải có chiếu thang nằm cùng cao trình với lối ra thoát nạn, có lan can cao 1,2 m và bố trí cách lỗ cửa sổ không nhỏ hơn 1,0 m.

    - Cầu thang bộ loại 2 phải thỏa mãn các yêu cầu quy định đối với bản thang và chiếu thang trong buồng thang bộ.

    Trân trọng!

    648