08:49 - 14/11/2024

Căng dây điện chống trộm sẽ bị xử lý tội giết người

Căng dây điện chống trộm sẽ bị xử lý tội giết người

Nội dung chính

    Căng dây điện chống trộm sẽ bị xử lý tội giết người

    Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 thì hệ thống tải điện là một trong những “nguồn nguy hiểm cao độ”; chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật. Trên thực tế, mặc dù điện là nguồn năng lượng phục vụ đời sống và phát triển kinh tế, xã hội nhưng việc sử dụng điện tùy tiện, không tuân thủ các quy tắc về an toàn… đã dẫn đến nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại đến tài sản hoặc gây hậu quả chết người. Đối với hành vi sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp, Điều 59 Luật Điện lực quy định: “1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết. 2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. 3. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện”. Điều luật này cũng quy định: “Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình quy định khu vực được phép sử dụng hàng rào điện. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quy định tiêu chuẩn và điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp”. Như vậy, việc sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp phải tuân theo nhiều điều kiện rất nghiêm ngặt và đặc biệt là “phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Các hành vi “Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ” không thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật Điện lực nói trên đều bị pháp luật nghiêm cấm (Điều 7 Luật Điện lực). Tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. a) Theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15/6/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực thì “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:…Sử dụng điện để đánh bắt thủy sản, bẫy chuột, chống trộm, bảo vệ tài sản, hoa màu; sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp (hàng rào điện) không được cơ quan có thẩm quyền cho phép…”. Với quy định này thì chỉ cần thực hiện một trong các hành vi vừa nêu là đã bị coi là hành vi vi phạm và đã đủ điều kiện để xử lý vi phạm hành chính, không cần có hậu quả xảy ra. b) Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Do là nguồn nguy hiểm cao độ nên người có hành vi sử dụng điện để chống trộm, bảo vệ tài sản, hoa màu; sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ… buộc phải nhận thức được tính chất nguy hiểm của phương tiện mà họ sử dụng nhưng vẫn cố ý sử dụng, họ thấy trước được hậu quả có thể xảy ra và mong muốn (hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra) nên hành vi của họ mang đầy đủ dấu hiệu của tội giết người. Ngoài ra, đối với trường hợp sử dụng điện trái phép làm chết người, TANDTC cũng đã có hướng dẫn: “Về nguyên tắc chung, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau: Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người”. Pháp luật không có quy định cụ thể để phân biệt về việc căng dây điện chống trộm ở trong nhà hay ngoài nhà, chỉ quy định chung về việc “sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người”. Căn cứ các quy định của pháp luật viện dẫn ở trên thì thấy trường hợp căng dây điện (dù là trong nhà) đã là hành vi vi phạm pháp luật. Việc làm này có thể dẫn đến chết người nhưng chủ nhà vẫn cố ý thực hiện nên trong trường hợp hậu quả chết người xảy ra thì hành vi căng dây điện chống trộm, tước đoạt tính mạng của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Tình tiết “dùng dây điện căng chống trộm trong nhà, khi đi làm đã khóa cửa nhưng trộm phá khóa vào và bị điện giật chết” chỉ có thể là tình tiết để Tòa án xem xét khi quyết định hình phạt.

    132