14:22 - 09/11/2024

Chống đối cán bộ thu hồi đất bị phạt bao nhiêu tiền?

Chống đối cán bộ thu hồi đất bị phạt bao nhiêu tiền? Chống đối cán bộ thu hồi đất có bị phạt tù không? Các biện pháp ngăn chặn hành vi chống đối người thi hành công vụ là gì?
Chào luật sư, nhà em nhận được quyết định thu hồi đất của chính quyền địa phương. Hôm trước cán bộ xuống nhà để cưỡng chế thu hồi đất, ba em không đồng ý và có hành vi chống đối cán bộ. Họ đã lập biên bản xử phạt ba em vì tội cản trở người khác thi hành công vụ. Luật sư cho em hỏi, cản trở người khác thi hành công vụ bị phạt bao nhiêu tiền? Cản trở người khác thi hành công vụ có bị phạt tù không?

Nội dung chính

    1. Chống đối cán bộ thu hồi đất bị phạt bao nhiêu tiền? 

    Tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ như sau:

    2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;

    b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

    c) Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

    Như vậy, với hành vi cản trở cán bộ thu hồi đất của ba bạn thì đây được coi là hành vi cản trợ người thi hành công vụ. Ba bạn có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi trên theo quy định của pháp luật.

    2. Chống đối cán bộ thu hồi đất có bị phạt tù không?

    Tại Điều 330 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau:

    1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Phạm tội 02 lần trở lên;

    c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

    d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

    đ) Tái phạm nguy hiểm.

    Theo đó, tùy thuộc vào mức độ và hành vi cản trở cán bộ thu hồi đất của ba bạn mà ba bạn có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm theo quy định của pháp luật.

    3. Các biện pháp ngăn chặn hành vi chống đối người thi hành công vụ là gì?

    Tại Điều 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định về các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ như sau:

    1. Giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó. Yêu cầu người vi phạm xuất trình chứng minh nhân dân và các giấy tờ cần thiết khác để kiểm tra.

    2. Cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

    3. Bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

    Trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét người có hành vi chống người thi hành công vụ, khám phương tiện vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật.

    4. Trường hợp tập trung đông người chống người thi hành công vụ thì tiến hành các biện pháp vận động, thuyết phục đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng nhằm giải tán đám đông; ngăn chặn, bao vây, khống chế, cô lập, bắt giữ đối tượng cầm đầu, tổ chức, xúi giục.

    5. Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    6. Việc xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.

    Đối với các vụ án chống người thi hành công vụ, đề nghị Tòa án có thẩm quyền tăng cường tổ chức xét xử lưu động để góp phần phòng ngừa, giáo dục chung.

    Trên đây là các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.

    Trân trọng!

    10