Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2 2025
Nội dung chính
Chính sách mới 1: Tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ
Chính phủ ban hành Nghị định 159/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Nghị định 159/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm lâm như sau:
- Kiểm lâm khi thi hành công vụ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Nghị định 01/2019/NĐ-CP và theo quy định của pháp luật.
- Mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, kiểm lâm hiệu, biển tên theo quy định.
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, kiểm tra hiện trường, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
- Xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật hình sự.
- Được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, đồng phục, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao khác theo quy định của pháp luật.
>> Xem chi tiết tại Nghị định 159/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2025.
Chính sách mới 2: Phạt tới 40 triệu đồng khi truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn
Ngày 10/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 155/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, trong đó quy định mức phạt đối với hành vi truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn.
Hành vi truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn có thể bị phạt tới 40.000.000 đồng. (Mức phạt tiền này là mức phạt của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
>> Nghị định 155/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2025 và bãi bỏ Nghị định 84/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017.
Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2 2025 (Hình từ Internet)
Chính sách mới 3: Chức năng của cơ quan thanh tra Công an nhân dân
Ngày 25/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 164/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân.
Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra Công an nhân dân giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
>> Nghị định 164/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/02/2024
Chính sách mới 4: Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng
Ngày 30/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2025.
Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền.
Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng.
>> Xem chi tiết tại Nghị định 174/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2025.
Chính sách mới 5: Hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật
Ngày 10/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 9/2025/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.
Theo đó mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật như sau:
- Đối với diện tích lúa:
+ Sau gieo trồng từ 01 đến 10 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;
+ Sau gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha;
+ Sau gieo trồng trên 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha.
- Đối với diện tích mạ:
Thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.
>> Xem chi tiết tại Nghị định 9/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/02/2025.
Chính sách mới 6: Từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại, không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định
Ngày 19/12/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 35/2024/TT-BTNMT về Quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo đó, quy trình thu gom thủ công chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân
- Di chuyển phương tiện thu gom từ điểm tập kết hoặc điểm lưu giữ phương tiện đến vị trí thu gom theo lịch trình được phân công, dừng phương tiện, báo hiệu thời điểm thu gom chất thải rắn sinh hoạt tới các hộ gia đình, cá nhân;
- Hỗ trợ, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân bỏ chất thải rắn sinh hoạt vào đúng vị trí trên phương tiện thu gom;
Có thể từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại, không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định của chính quyền địa phương hoặc giao chất thải không đúng chủng loại theo lịch trình đã công bố; vệ sinh vị trí thu gom trước khi di chuyển đến vị trí thu gom tiếp theo;
- Thu gom chất thải rắn sinh hoạt cho đến khi đạt tải trọng hoặc thể tích lưu chứa tối đa của phương tiện thu gom; di chuyển về điểm tập kết;
Hỗ trợ chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ phương tiện thu gom lên phương tiện vận chuyển; che phủ phương tiện thu gom trong quá trình chờ chuyển chất thải rắn sinh hoạt lên phương tiện vận chuyển;
- Tiếp tục thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy trình kỹ thuật tại khoản này cho đến hết ca làm việc.
>> Xem chi tiết tại Thông tư 35/2024/TT-BTNMT có hiệu lực kể từ ngày 03/02/2025.
Chính sách mới 7: Hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra
Ngày 18/12/2024, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư 08/2024/TT-TTCP Hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
Thông tư số 08/2024 quy định cụ thể các mẫu văn bản trong hoạt động thanh tra. Trong đó, Thông tư cũng nêu rõ từng bước trong quy trình thanh tra, từ việc thu thập thông tin chuẩn bị thanh tra, ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, đến công bố quyết định và triển khai thực hiện...
>> Xem chi tiết tại Thông tư 08/2024/TT-TTCP có hiệc từ ngày 03/02/2025.
Chính sách mới 8: Trường hợp phải thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế
Ngày 23/12/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 86/2024/TT-BTC quy định về đăng ký thuế, trong đó có nội dung sẽ dùng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế cá nhân.
Theo Thông tư 86/2024/TT-BTC, 13 đối tượng khi đăng ký thuế phải thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế bao gồm:
(1) Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chuyên ngành không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
(2) Đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế của lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội, xã hội-nghề nghiệp hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh;
Tổ chức của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu;
Văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; tổ hợp tác được thành lập và tổ chức hoạt động theo quy định tại Nghị định 77/2019/NĐ-CP nhưng không thuộc trường hợp đăng ký kinh doanh qua cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Luật Hợp tác xã 2023.
(3) Tổ chức được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền không có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
(4) Tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ có thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo;
Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với đối tượng hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao;
Chủ dự án ODA thuộc diện được hoàn thuế giá trị gia tăng, Văn phòng đại diện nhà tài trợ dự án ODA, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định quản lý chương trình, dự án ODA không hoàn lại.
>> Xem chi tiết tại Thông tư 86/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 06/02/2025 trừ quy định tại khoản 2 Điều 38 Thông tư 86/2024 có hiệu lực từ 01/7/2025.