Cá nhân được cấp thẻ tư vấn viên pháp luật khi đáp ứng những điều kiện nào?
Nội dung chính
Cá nhân được cấp thẻ tư vấn viên pháp luật khi đáp ứng những điều kiện nào?
Khoản 1 Điều 19 Nghị định 77/2008/NĐ-CP quy định về các điều kiện để cá nhân được cấp thẻ tư vấn viên pháp luật như sau:
Tư vấn viên pháp luật
1. Tư vấn viên pháp luật là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;
b) Có Bằng cử nhân luật;
c) Có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên.
2. Tư vấn viên pháp luật được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật. Tư vấn viên pháp luật được hoạt động trong phạm vi toàn quốc.
Công chức đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân không được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật.
Theo quy định nêu trên, cá nhân được cấp thẻ tư vấn viên pháp luật khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Cá nhân là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;
- Có Bằng cử nhân luật;
- Có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên.
Thẻ tư vấn viên pháp luật bị thu hồi khi nào? Cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật? (Hình từ Internet)
Thẻ tư vấn viên pháp luật bị thu hồi khi nào?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 77/2008/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 4 Nghị định 05/2012/NĐ-CP quy định cấp, thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật:
Cấp, thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật
1. Người đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp.
Hồ sơ cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gồm có:
a) Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật;
b) Bản sao Bằng cử nhân luật;
c) Giấy xác nhận về thời gian công tác pháp luật của người được đề nghị.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp, nơi Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động có trách nhiệm cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật cho người đủ điều kiện, trong trường hợp từ chối, phải thông báo lý do bằng văn bản.
2. Người đã được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật:
a) Không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Nghị định này;
b) Được tuyển dụng làm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân;
c) Có hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị nghiêm cấm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
Sở Tư pháp, nơi có Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh mà người có Thẻ tư vấn viên pháp luật đang làm việc, thực hiện việc thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật.
Như vậy, người được cấp thẻ tư vấn viên pháp luật bị thu hồi trong các trường hợp sau:
[1] Không còn đủ tiêu chuẩn tư vấn viên pháp luật. Cụ thể các tiêu chuẩn của tư vấn viên pháp luật bao gồm:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích
- Có Bằng cử nhân luật
- Có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên
[2] Được tuyển dụng làm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân
[3] Có hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị nghiêm cấm sau:
- Xúi giục cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật
- Lợi dụng hoạt động tư vấn pháp luật để trục lợi
- Lợi dụng hoạt động tư vấn pháp luật gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức
Cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật?
Căn cứ Điều 25 Nghị định 77/2008/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý hoạt động tư vấn pháp luật:
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý hoạt động tư vấn pháp luật
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật theo thẩm quyền; thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật tại địa phương.
2. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý hoạt động tư vấn pháp luật, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Cấp, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh;
b) Cấp, thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật;
c) Phối hợp với tổ chức chủ quản cùng cấp trong việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người thực hiện tư vấn pháp luật;
d) Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật tại địa phương;
đ) Thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật theo thẩm quyền hoặc theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp định kỳ hàng năm về tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh tại địa phương hoặc theo yêu cầu trong trường hợp đột xuất.
Như vậy, Sở Tư pháp là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý hoạt động tư vấn pháp luật, đồng thời cũng là cơ quan có quyền thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật.