Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như thế nào?
Nội dung chính
Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như thế nào?
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị quy định như sau:
1. Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại:
a) Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận; Trường hợp các bên không thoả thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại toà án;
b) Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.
2. Trường hợp công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, để vật tư, vật liệu và thiết bị thi công gây cản trở giao thông công cộng thì phải ngừng thi công xây dựng; chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp khắc phục hậu quả; việc thi công xây dựng chỉ được phép tiếp tục khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực lân cận.
Và theo quy định tại Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:
Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.
Như vậy nếu có đủ căn cứ và bằng chứng nhà bên cạnh trong quá trình xây dựng gây ra hiện tượng lún và nứt cho nhà bạn thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu chủ nhà khắc phục hoặc bồi thường. Trong trường hợp nhà bên cạnh không đồng ý khắc phục hoặc bồi thường cho bạn thì bạn có thể làm đơn khiếu kiện gửi lên Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 607 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.
Như vậy trong vòng 2 năm kể từ khi hiện tượng lún, nứt xuất hiện bạn có thể yêu cầu nhà sát bên khắc phục chứ không phải tính từ thời điểm nhà họ xây xong.