Bị hại dưới 18 tuổi có được ngồi cạnh bố mẹ trong phiên toà xét xử hình sự hay không?
Nội dung chính
Cháu gái tôi có là một bị hại trong vụ xét xử hiếp dâm, trong quá trình xét xử thì cháu có vấn đề về tinh thần. Xin hỏi khi cháu bé tham gia phiên toà xét xử này thì có được ngồi với bố mẹ đã động viên tinh thần không?
1. Bị hại dưới 18 tuổi có được ngồi cạnh bố mẹ trong phiên toà xét xử hình sự hay không?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên như sau:
1. Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh.
Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
2. Bàn, ghế trong phòng xử án được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng.
3. Ngoài các quy định tại điều này, phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên phải bảo đảm quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này.
Tại Khoản 1 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
Theo Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, bị hại dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng tại phiên toà xét xử hình sự được ngồi gần người đại diện là bố mẹ.
2. Cơ quan nào có thẩm quyền xét xử vụ án có bị hại là người dưới 18 tuổi?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định về thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của Tòa gia đình và người chưa thành niên như sau:
Tòa gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự sau đây:
1. Vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi.
2. Vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.
Theo đó, Tòa gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền xét xử vụ án có bị hại là người dưới 18 tuổi.
3. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử vụ án hình sự có bị hại là người dưới 18 tuổi phải đáp ứng điều kiện gì?
Theo Điều 6 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định về việc phân công Thẩm phán, Hội thẩm như sau:
Khi giải quyết vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán, Hội thẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
2. Có 01 Hội thẩm là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
Theo quy định trên, để xét xử vụ án hình sự có bị hại là người dưới 18 tuổi, Thẩm phán cần có kinh nghiệm xét xử hoặc đã được đào tạo, tập huấn về các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Hội thẩm cần có 01 giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
Trân trọng!