Đất di tích lịch sử là đất gì? Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý khi đất di tích lịch sử bị lấn chiếm?

Đất di tích lịch sử thuộc nhóm đất sử dụng vào mục đích gì theo quy định mới nhất? Cơ quan có thẩm quyền xử lý khi đất di tích lịch sử bị lấn chiếm?

Nội dung chính

    Đất di tích lịch sử thuộc nhóm đất sử dụng vào mục đích gì theo quy định mới nhất?

    Căn cứ quy định tại điểm e khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 hướng dẫn bởi khoản 6 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp cụ thể như sau:

    Điều 5. Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp
    [...]
    6. Đất sử dụng vào mục đích công cộng, bao gồm:
    [...]
    d) Đất công trình phòng, chống thiên tai là đất xây dựng công trình phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, gồm công trình đê điều chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai;
    đ) Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên là đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
    [...]

    Theo quy định trên, đất di tích lịch sử được phân vào nhóm đất phi nông nghiệp được sử dụng vào mục đích công cộng theo quy định pháp luật đất đai.

    Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý khi đất di tích lịch sử bị lấn chiếm?

    Căn cứ vào khoản 1 Điều 211 Luật Đất đai 2024 có quy định về đất xây dựng di tích lịch sử như sau:

    Điều 211. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên
    1. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì phải được quản lý theo quy định sau đây:
    a) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên do tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật thì tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đó chịu trách nhiệm chính trong việc sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên;
    b) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên không thuộc quy định tại điểm a khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên chịu trách nhiệm trong việc quản lý diện tích đất này;
    c) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên bị lấn, bị chiếm, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng trái pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
    [...]

    Như vậy, trường hợp đất di tích lịch sử văn hóa bị lấn chiếm thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

    Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý khi đất xây dựng di tích lịch sử bị lấn chiếm?

    Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý khi đất di tích lịch sử bị lấn chiếm? (Hình từ Internet)

    Trong những trường hợp nào, đất di tích lịch sử được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng cá nhân?

    Căn cứ khoản 2 Điều 144 Luật Đất đai 2024 quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất xây dựng di tích lịch sử như sau:

    Điều 144. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
    Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa được thực hiện như sau:
    1. Trường hợp đất chỉ do một cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đó;
    2. Trường hợp có nhiều người sử dụng đất, có nhiều loại đất khác nhau thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho từng người sử dụng đất. Người sử dụng đất phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

    Căn cứ quy định trên, trường hợp có nhiều người sử dụng đất và có sự tồn tại của nhiều loại đất khác nhau trên cùng thửa đất, thì phần đất sử dụng vào mục đích xây dựng di tích lịch sử được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng cá nhân theo phần sử dụng thực tế.

    Chuyên viên pháp lý Nguyễn Tuyết Hương
    saved-content
    unsaved-content
    1