Vị trí Xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập ở đâu?
Mua bán nhà đất tại Ninh Bình
Nội dung chính
Vị trí Xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập ở đâu?
Ngày 12/6/2025, Nghị quyết 202/2025/QH15 - Nghị quyết về sáp nhập tỉnh thành chính thức được Quốc hội thông qua, cả nước còn 34 tỉnh thành phố. Trong đó Ninh Bình sẽ sáp nhập với Hà Nam và Nam Định.
HĐND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Nghị quyết số 64/NQ-HĐND về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Ninh Bình với vị trí xây dựng được quy định như sau:
Điều 1. Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Ninh Bình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh quản lý dự án với các nội dung sau:
[...]
3. Nhóm dự án Dự án nhóm A.
4. Tổng mức đầu tư dự án 3.000 tỷ đồng (Ba nghìn tỷ đồng).
5. Cơ cấu nguồn vốn Ngân sách tỉnh trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, trong đó:
a) Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: 20 tỷ đồng.
b) Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030: 2.980 tỷ đồng.
6. Địa điểm thực hiện dự án: Phường Ninh Khánh, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
7. Thời gian thực hiện dự án Năm 2025 - 2027.
8. Tiến độ thực hiện dự án:
a) Năm 2025: Hoàn thành công tác chuẩn bị dự án, tiến hành các bước thực hiện dự án.
b) Năm 2026-2027: Tiếp tục thực hiện và hoàn thành dự án.
Theo đó, Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập được xây dựng tại Phường Ninh Khánh, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình theo đúng chủ trương, quyết định của Trung ương.
Quy mô đầu tư Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Ninh Bình:
- Đầu tư xây dựng khối cơ quan hành chính tổng diện tích sàn khoảng 120.500 m² (dự kiến phần nổi 08 tầng, phần ng m 01 tầng trệt và 01 tầng hầm);
- Hội trường đa năng dự kiến 500 chỗ;
- Hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ khác. (Diện tích các không gian trên là dự kiến;
- Quy mô cụ thể sẽ được xác định sau khi thi tuyển phương án kiến trúc và thực hiện các bước tiếp theo của dự án).
Vị trí Xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập ở đâu? (hình từ internet)
Diện tích sử dụng chung trong trụ sở làm việc được xác định thế nào?
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 155/2025/NĐ-CP quy định về diện tích sử dụng chung trong trụ sở làm việc như sau:
- Diện tích sử dụng chung là diện tích sử dụng phục vụ hoạt động chung trong trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, gồm:
+ Phòng tiếp nhận và trả hồ sơ (bộ phận một cửa); phòng tiếp dân; phòng văn thư, đánh máy, hành chính, quản trị; phòng nhân sao tài liệu;
+ Phòng tiếp khách (trong nước, quốc tế);
+ Hội trường, phòng họp;
+ Phòng lưu trữ, phòng hồ sơ, phòng tư liệu và sách;
+ Phòng trung tâm dữ liệu, phòng máy tính, quản trị mạng, phòng đặt thiết bị kỹ thuật, quản lý toà nhà;
+ Phòng thường trực, bảo vệ hoặc phòng bảo vệ có yêu cầu trực đêm; phòng truyền thống; phòng y tế; nhà ăn; kho thiết bị, dụng cụ, văn phòng phẩm; sảnh, hành lang; ban công, lô gia; nơi thu gom giấy loại và rác thải; nhà làm việc của đội xe; khu vệ sinh; diện tích phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy;
+ Diện tích sử dụng chung khác không thuộc diện tích quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này.
- Diện tích sử dụng chung quy định tại khoản 1 Điều này được xác định tối đa không quá 85% tổng diện tích làm việc phục vụ công tác các chức danh của cơ quan, tổ chức và được phân bổ cho từng loại diện tích cụ thể quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này.
Trường hợp sau khi phân bổ cho từng loại diện tích quy định tại khoản 1 Điều này mà diện tích của các phòng/bộ phận có quy định cụ thể tại Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam (công sở cơ quan hành chính nhà nước) thấp hơn so với mức tối thiểu được quy định tại Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam thì được áp dụng diện tích của phòng/bộ phận đó theo mức tối thiểu quy định tại Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam.
Phần diện tích chênh lệch giữa diện tích được phân bổ và diện tích tối thiểu theo Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam được bổ sung vào diện tích sử dụng chung của cơ quan, tổ chức.
Nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn, định mức đối với trụ sở làm việc được quy định ra sao?
Nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn, định mức đối với trụ sở làm việc được quy định tại Điều 3 Nghị định 155/2025/NĐ-CP dưới đây:
- Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp quy định tại Nghị định này được sử dụng làm một trong các căn cứ để lập kế hoạch và dự toán ngân sách; giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng và xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
- Tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc phục vụ công tác các chức danh được xác định theo từng chức danh, chức vụ. Trường hợp một người giữ nhiều chức danh, chức vụ thì được áp dụng tiêu chuẩn cao nhất.
Ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết đang đảm nhiệm vị trí công tác nào thì được áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc theo chức vụ đang công tác.
Đối với các chức danh, chức vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị không quy định cụ thể tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này thì xác định tiêu chuẩn, định mức căn cứ quy định của cơ quan, người có thẩm quyền về chức danh, chức vụ đó tương đương với chức danh, chức vụ nào quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này hoặc xác định chức danh, chức vụ tương đương theo mức lương chức vụ hoặc hệ số phụ cấp chức vụ tương đương với các chức danh, chức vụ quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
- Diện tích làm việc phục vụ công tác các chức danh, diện tích sử dụng chung, diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp quy định tại Nghị định này là diện tích được tính theo kích thước thông thủy theo quy định của pháp luật, không bao gồm cầu thang, thang máy, thang thoát hiểm, ram dốc, diện tích nhà để xe, diện tích tường bao, tường phân chia các phòng làm việc, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật và tường bao hộp kỹ thuật (nếu có) bên trong phòng làm việc.
- Phòng làm việc quy định tại Nghị định này là phòng làm việc theo thiết kế của trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (không phải là phòng theo cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị).
- Đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện có đang quản lý, sử dụng hoặc thực hiện giao, điều chuyển hoặc xử lý sau khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động, cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý, sử dụng hoặc tiếp nhận trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp được quản lý, sử dụng đối với phần diện tích theo tiêu chuẩn, định mức quy định tại Nghị định này.
Đối với phần diện tích lớn hơn so với tiêu chuẩn, định mức (nếu có), cơ quan, người có thẩm quyền giao, điều chuyển quy định tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công quyết định giao, điều chuyển phần diện tích này cho cơ quan, tổ chức, đơn vị khác quản lý, sử dụng nếu phù hợp với tiêu chuẩn, định mức và nhu cầu sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;
Trong thời gian cơ quan, người có thẩm quyền chưa giao, điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý, sử dụng hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận tài sản có trách nhiệm quản lý, bảo quản, bảo vệ đối với phần diện tích này.
Trường hợp không có cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp để giao, điều chuyển thì cơ quan, người có thẩm quyền giao, điều chuyển quy định tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công quyết định giao, điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý, sử dụng hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp quản lý, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.