Dự kiến khởi công cao tốc Mỹ An -Cao Lãnh khi nào?
Nội dung chính
Dự kiến khởi công cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh khi nào?
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, là chủ đầu tư dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, công tác giải phóng mặt bằng hiện đã đạt khoảng 95% và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 6/2025.
Bên cạnh đó, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng đang được đẩy nhanh với mục tiêu hoàn thành trong tháng 6 để đảm bảo tiến độ khởi công dự án vào quý 2 năm 2025.
Đơn vị đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, tập trung cao độ cho công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và tư vấn giám sát.
Cụ thể, hồ sơ mời thầu cho gói thầu xây lắp đã được phát hành vào ngày 31/3, còn hồ sơ mời thầu cho gói tư vấn giám sát phát hành ngày 22/4. Mục tiêu là hoàn tất công tác đấu thầu trong tháng 6 tới.
Về phía địa phương, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành tỉnh Đồng Tháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Dự kiến đến ngày 30/6/2025, toàn bộ mặt bằng sẽ được bàn giao, qua đó sẵn sàng cho lễ khởi công cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh trong quý 2 như kế hoạch đề ra.
Như vậy, dự kiến khởi công cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh vào quý 2 năm 2025.
Dự kiến khởi công cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh khi nào? (Hình từ Internet)
Tổng quan dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh
Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 là một trong những công trình trọng điểm trong chiến lược hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây.
Dự án do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, được Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 19/1/2024.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án là 6.127 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA từ Chính phủ Hàn Quốc chiếm phần lớn với 4.462 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ phía Việt Nam với 1.665 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh có chiều dài khoảng 26,6km, toàn bộ nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Điểm đầu của tuyến nằm tại km96+875, kết nối với tuyến đường N2 tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười.
Tuyến cao tốc đi gần song song với kênh Nguyễn Văn Tiếp A, đến cuối phạm vi quy hoạch thị trấn Tháp Mười thì rẽ trái theo hướng tây nam, vượt qua kênh Nguyễn Văn Tiếp A và đường tỉnh 846 tại xã Mỹ Đông.
Từ đây, tuyến tiếp tục đi thẳng theo hướng tây nam, vượt đường tỉnh 847 tại khu vực cầu Đập Đá (thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh) và rẽ trái để vượt sông Cần Lố, kết nối vào điểm đầu của cầu Cao Lãnh tại nút giao An Bình.
Với tuyến đường này, Đồng Tháp không chỉ có thêm một trục giao thông chiến lược mà còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án cũng có ý nghĩa kết nối quan trọng khi đầu tuyến nối với đường N2 và cuối tuyến tiếp giáp với cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang trong quá trình thi công.
Đường cao tốc là đường gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Luật Đường bộ 2024 quy định chung đối với đường bộ cao tốc như sau:
Điều 44. Quy định chung đối với đường bộ cao tốc
1. Đường bộ cao tốc (sau đây gọi là đường cao tốc) là một cấp kỹ thuật của đường bộ, chỉ dành cho một số loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông theo quy định của pháp luật, có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định, có hàng rào bảo vệ, trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình.
2. Đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị được xác định trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
3. Đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc bao gồm:
a) Đất quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 13 của Luật này;
b) Đất để xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc.
Như vậy, đường cao tốc là loại đường bộ kỹ thuật cao, chỉ dành cho một số phương tiện cơ giới và xe máy chuyên dùng, có dải phân cách, không giao nhau cùng mức, chỉ ra vào tại điểm nhất định, được trang bị đầy đủ để đảm bảo giao thông liên tục và an toàn.
Đường cao tốc có thể thuộc quốc lộ, đường tỉnh, đô thị... và được xác định trong các quy hoạch liên quan.
Đất xây dựng đường cao tốc gồm đất để xây dựng công trình đường bộ và phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ; xây dựng bến xe; bãi đỗ xe; điểm dừng xe, đỗ xe; trạm dừng nghỉ; các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động đường bộ và đất xây trung tâm quản lý, điều hành tuyến đường cao tốc