09:18 - 23/06/2025

Dự án tuyến Metro số 2 Hà Nội khi nào khởi công?

Dự án tuyến Metro số 2 Hà Nội dự kiến sẽ khởi công trong tháng 10/2025.

Mua bán nhà đất tại

Nội dung chính

    Xây dựng tuyến Metro số 2

    Dự án tuyến Metro số 2 Hà Nội khi nào khởi công?

    Dự án tuyến Metro số 2 Hà Nội  là một trong những dự án đường sắt quan trọng của đất nước. Hiện nay, tuyến metro số 2 đoạn từ Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đang được tích cực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện các thủ tục và sớm khởi công trong thời gian tới.

    Theo kế hoạch, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ điều chỉnh dự án với mục tiêu phấn đầu trình phê duyệt trong tháng 8/2025. Nếu đúng tiến độ thì đến tháng 10/2025, Hà Nội sẽ tập trung các nguồn lực để chính thức khởi công dự án.

    Tuyến metro số 2 có tổng chiều dài 11,5 km, trong đó 8,9 km được thiết kế đi ngầm và 2,6 km đi trên cao. Toàn tuyến gồm 10 nhà ga, với 7 ga ngầm và 3 ga trên cao. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án rơi vào khoảng 35.600 tỷ đồng

    Tuyến metro số 2 bắt đầu từ khu vực Nam Thăng Long, theo trục đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, đi qua các tuyến phố lớn như Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, Phan Đình Phùng, sau đó len lỏi vào khu phố cổ với các tuyến Hàng Giấy, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng và kết thúc tại phố Trần Hưng Đạo.

    Như vậy, dự án tuyến Metro số 2 Hà Nội dự kiến sẽ khởi cộng vào tháng 10/2025 nếu như đảm bảo đúng tiên độ. Khi hoàn thành, dự án sẽ đóng vai trò là trục giao thông huyết mạch kết nối với nhiều khu vực quan trọng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế giữa các quận huyện mà nó đi qua.

    Dự án tuyến Metro số 2 Hà Nội khi nào khởi công?

    Dự án tuyến Metro số 2 Hà Nội khi nào khởi công? (Hình từ Internet)

    Quy tắc giao thông đường sắt được quy định ra sao?

    Căn cứ tại Điều 38 Luật Đường sắt 2017 quy định về quy tắc giao thông đường sắt như sau

    (1) Quy tắc giao thông đường sắt bao gồm các quy định về chỉ huy chạy tàu, lập tàu, dồn tàu, chạy tàu, tránh tàu, vượt tàu, dừng tàu, lùi tàu.

    (2) Quy định về chỉ huy chạy tàu:

    - Việc chạy tàu ở mỗi khu đoạn chỉ do một nhân viên điều độ chạy tàu tuyến chỉ huy. Mệnh lệnh chạy tàu phải được thực hiện thông qua sự chỉ huy của nhân viên điều độ chạy tàu tuyến. Điều độ chạy tàu ga, trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu, lái tàu phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh chỉ huy của nhân viên điều độ chạy tàu tuyến;

    - Trong phạm vi ga đường sắt, điều độ chạy tàu ga hoặc trực ban chạy tàu ga là người chỉ huy chạy tàu. Trưởng tàu, lái tàu phải tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy chạy tàu hoặc tuân theo biểu thị của tín hiệu;

    - Trên tàu, trưởng tàu là người chỉ huy cao nhất để bảo đảm chạy tàu an toàn;

    - Trên tàu không bố trí trưởng tàu, đầu máy chạy đơn, tàu đường sắt đô thị, lái tàu là người chỉ huy cao nhất để bảo đảm chạy tàu an toàn.

    (3) Quy định về lập tàu:

    - Việc lập tàu phải theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường sắt;

    - Toa xe phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thì mới được ghép nối.

    (4) Quy định về dồn tàu:

    - Dồn tàu là việc di chuyển đầu máy, toa xe từ vị trí này sang vị trí khác trong phạm vi ga đường sắt, khu gian. Dồn tàu phải thực hiện theo kế hoạch của trực ban chạy tàu ga;

    - Trong quá trình dồn tàu, lái tàu phải tuân theo sự điều khiển của trưởng dồn.

    (5) Quy định về chạy tàu:

    - Khi chạy tàu, lái tàu phải tuân thủ các quy định sau đây:

    + Điều khiển tàu đi từ ga, thông qua ga, dừng, tránh, vượt tại ga theo lệnh của trực ban chạy tàu ga.

    + Chỉ được phép điều khiển tàu vào khu gian khi có chứng vật chạy tàu.

    + Chỉ được phép điều khiển tàu vào ga, thông qua ga theo tín hiệu đèn màu, tín hiệu cánh và tín hiệu của trực ban chạy tàu ga.

    + Điều khiển tốc độ chạy tàu theo quy định tại Điều 42 Luật Đường sắt 2017.

    + Trong quá trình chạy tàu, lái tàu và phụ lái tàu đang trong phiên trực không được rời vị trí làm việc;

    - Tàu khách chỉ được chạy khi các cửa toa xe hành khách đã đóng. Cửa toa xe hành khách chỉ được mở khi tàu đã dừng hẳn tại ga đường sắt.

    (6) Quy định về tránh, vượt tàu:

    - Việc tránh, vượt tàu phải thực hiện tại ga đường sắt;

    - Lái tàu thực hiện việc tránh, vượt tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng theo lệnh của trực ban chạy tàu ga; trên đường sắt đô thị theo lệnh của điều độ chạy tàu đường sắt đô thị.

    (7) Quy định về dừng tàu, lùi tàu:

    Lái tàu phải dừng tàu khi thấy có tín hiệu dừng; khi phát hiện tình huống đe dọa đến an toàn chạy tàu hoặc nhận được tín hiệu dừng tàu khẩn cấp thì được phép dừng tàu hoặc lùi tàu khẩn cấp. Trường hợp dừng tàu, lùi tàu khẩn cấp, trưởng tàu, lái tàu có trách nhiệm thông báo cho nhà ga theo quy định.

    (8) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết Điều 38 Luật Đường sắt 2017.

    Đất tại Hà Nội xây dựng tuyến Metro số 2 thuộc nhóm đất nào?

    Căn cứ tại điểm e khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Điều 9. Phân loại đất
    [...]
    3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
    b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
    c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
    d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
    đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
    e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
    g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
    h) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
    i) Đất có mặt nước chuyên dùng;
    k) Đất phi nông nghiệp khác.

    Ngoài ra còn căn cứ tại điểm a khoản 6 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết loại đất công trình giao thông bao gồm:

    - Đường ô tô cao tốc, đường ô tô, đường trong đô thị, đường nông thôn (kể cả đường tránh, đường cứu nạn và đường trên đồng ruộng phục vụ nhu cầu đi lại chung của mọi người),

    - Điểm dừng xe, điểm đón trả khách, trạm thu phí giao thông, công trình kho bãi, nhà để xe ô tô, bãi đỗ xe; bến phà, bến xe, trạm thu phí, trạm dừng nghỉ;

    Các loại hình đường sắt, nhà ga đường sắt; đường tàu điện; các loại cầu, hầm phục vụ giao thông; công trình đường thủy nội địa, công trình hàng hải;

    - Cảng hàng không, kể cả đất xây dựng trụ sở các cơ quan nhà nước hoạt động thường xuyên và đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, khu vực cất, hạ cánh và sân đỗ tàu bay; tuyến cáp treo và nhà ga cáp treo;

    - Cảng cá, cảng cạn; các công trình trụ sở, văn phòng, cơ sở kinh doanh dịch vụ trong ga, cảng, bến xe; hành lang bảo vệ an toàn công trình giao thông mà phải thu hồi đất để lưu không;

    - Các kết cấu khác phục vụ cho hoạt động giao thông vận tải và các công trình, hạng mục công trình khác theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải;

    Như vậy, Đất tại Hà Nội xây dựng tuyến Metro số 2 thuộc nhóm đất phi nông nghiệp

    Lê Minh Vũ
    Từ khóa
    Tuyến metro số 2 Dự án tuyến Metro số 2 Tuyến Metro số 2 Hà Nội Tuyến Metro số 2 Hà Nội khi nào khởi công Quy tắc giao thông đường sắt Xây dựng tuyến Metro số 2 Đất phi nông nghiệp
    32