Dự án khu đô thị TP. Từ Sơn và huyện Tiên Du khi nào đưa vào vận hành?
Nội dung chính
Dự án khu đô thị TP. Từ Sơn và huyện Tiên Du khi nào đưa vào vận hành?
Hai khu đô thị sinh thái quy mô lớn dự kiến sẽ được hình thành tại TP. Từ Sơn và huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD hiện đang trong quá trình lấy ý kiến đánh giá tác động môi trường và dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành vào năm 2032.
Theo kế hoạch, dự án khu đô thị huyện Tiên Du có quy ô lên tới 299 ha, nằm trên địa bàn thị trấn Lim cùng hai xã Phú Lâm và Nội Duệ. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư Tây Hà Nội.
Dự án sẽ phát triển gần 3.300 căn nhà liền kề, 602 căn biệt thự cùng với các tòa nhà chung cư cao tầng trong đó có chung cư hỗn hợp 30 tầng và nhà ở xã hội cao 20 tầng.
Tổng mức đầu tư cho dự án khu đô thị huyện Tiên Du ước tính khoảng 19.700 tỷ đồng bao gồm 1.500 tỷ đồng cho công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư.
Song song đó là dự án khu đô thị TP. Từ Sơn có diện tích khoảng 199 ha, do Công ty TNHH Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư gần 11.200 tỷ đồng. Theo quy hoạch, dự án khu đô thị TP. Từ Sơn sẽ xây dựng 415 căn biệt thự cao 4 tầng và 1.680 căn liền kề cao 5 tầng, cùng với hệ thống tiện ích như trường mầm non, công viên cây xanh, khu thể dục thể thao và bãi đỗ xe.
Như vậy, Dự án khu đô thị TP. Từ Sơn và huyện Tiên Du dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào năm 2032. Cả hai này đều nằm trong chiến lược phát triển đô thị tại tỉnh Bắc Ninh khi hoàn thành, hai dự án này sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống cũng như tạo động lực cho việc phát triển kinh tế tại tỉnh Bắc Ninh.
Dự án khu đô thị TP. Từ Sơn và huyện Tiên Du khi nào đưa vào vận hành? (Hình từ Internet)
Yêu cầu đối với quy hoạch đô thị như thế nào?
Căn cứ tại Điều 6 Luật Quy hoạch đô thị 2009 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 29 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định yêu cầu đối với quy hoạch đô thị như sau:
(1) Cụ thể hóa quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; bảo đảm công khai, minh bạch và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân.
(2) Dự báo khoa học, đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của đô thị; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và quy chuẩn khác có liên quan.
(3) Bảo vệ môi trường, phòng ngừa hiểm hoạ ảnh hưởng đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử và nét đặc trưng địa phương thông qua việc đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập quy hoạch đô thị.
(4) Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đô thị nhằm tạo ra nguồn lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
(5) Bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm; phát triển hài hoà giữa các khu vực trong đô thị.
(6) Đáp ứng nhu cầu sử dụng nhà ở, công trình y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, thương mại, công viên, cây xanh, mặt nước và công trình hạ tầng xã hội khác.
(7) Đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác; bảo đảm sự kết nối, thống nhất giữa các hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị và sự liên thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, quốc gia và quốc tế.
Nguyên tắc lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất xây dựng khu đô thị TP. Từ Sơn và huyện Tiên Du như thế nào?
Căn cứ tại Điều 60 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
(1) Việc lập quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tuân thủ nguyên tắc và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
(2) Quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tổng hợp, cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.
(3) Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
(4) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện phải đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
(5) Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất của cấp trên bảo đảm nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định được nội dung sử dụng đất đến cấp xã; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
(6) Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên.
(7) Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, độ che phủ rừng; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
(8) Bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế - xã hội; cân đối hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, giữa các thế hệ; phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai.
(9) Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp phải bảo đảm sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch.
(10) Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập đồng thời; quy hoạch sử dụng đất cấp cao hơn phải được quyết định, phê duyệt trước quy hoạch sử dụng đất cấp thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì các chỉ tiêu sử dụng đất chưa thực hiện hết được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
(11) Kế hoạch sử dụng đất được lập đồng thời với lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cùng cấp. Kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng cấp huyện được lập đồng thời với lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.