09:55 - 30/06/2025

Chốt phương án đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc Dầu Giây Tân Phú như thế nào?

Chốt phương án đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc Dầu Giây Tân Phú như thế nào? Dự án PPP có thể thực hiện theo các hình thức hợp đồng nào?

Mua bán nhà đất tại Đồng Nai

Nội dung chính

    Chốt phương án đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc Dầu Giây Tân Phú như thế nào?

    Bộ Xây dựng vừa thống nhất phương án đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc Dầu Giây Tân Phú theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trạm được bố trí tại Km40+000, quy mô khoảng 3 ha mỗi bên đường, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai.

    Xem Bản đồ đường cao tốc TPHCM Long Thành Dầu Giây mới nhất: Tại đây

    Đây là một trong những hạng mục phục vụ tiện ích giao thông cho tuyến cao tốc dài hơn 60 km, thuộc dự án Dầu Giây – Liên Khương.

    Theo phương án đã được phê duyệt, liên danh nhà đầu tư Trường Hải – Sơn Hải sẽ tự bỏ chi phí xây dựng trạm dừng nghỉ, không tính vào tổng mức đầu tư và phương án tài chính của dự án chính.

    Nhà đầu tư được phép kinh doanh tại trạm dừng nghỉ, nhưng có nghĩa vụ nộp giá trị nhận nhượng quyền khai thác một lần vào ngân sách Nhà nước.

    Mức nộp sẽ được tính trung bình theo kết quả đấu thầu của ba dự án tương tự, căn cứ vào quy mô công trình và thời gian khai thác. Bộ Xây dựng yêu cầu việc xác định giá trị nhượng quyền phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

    Cục Đường bộ Việt Nam được giao phối hợp với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan để triển khai thủ tục đầu tư, đảm bảo công trình được xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

    Trạm dừng nghỉ phải tuân thủ các quy chuẩn như QCVN 43:2012/BGTVT/SĐ01:2024 và Thông tư 48/2012/TT-BGTVT, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về an toàn giao thông và tiện ích cho người sử dụng.

    Trước đó, vào tháng 4/2025, Bộ Xây dựng đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho dự án cao tốc Dầu Giây Tân Phú. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng, trong đó phần vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.108 tỷ đồng, phần còn lại là vốn ngân sách dành cho công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến thời gian xây dựng kéo dài 24 tháng, thời gian khai thác là gần 17 năm.

    Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có chiều dài 60,24 km, bắt đầu từ nút giao với Quốc lộ 1 (kết nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) tại huyện Thống Nhất và kết thúc tại điểm giao với Quốc lộ 20, xã Phú Trung, huyện Tân Phú.

    Tuyến đường đi qua các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú của tỉnh Đồng Nai. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ đạt quy mô cao tốc loại A với 4 làn xe, mặt cắt ngang 24,75m, tốc độ thiết kế 100 km/h. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng nền đường rộng 17m với tiêu chuẩn kỹ thuật cao tốc cấp 100.

    Việc bổ sung hạ tầng như trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, phục vụ nhu cầu di chuyển ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp trong khu vực.

    Một bước đi quan trọng trong lộ trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược tại khu vực Đông Nam Bộ và kết nối liên vùng với Tây Nguyên.

    >>> Các dự án bất động sản dọc tuyến cao tốc TPHCM Long Thành Dầu Giây

    >>> Một số tin bất động sản tại Đồng Nai gần cao tốc Dầu Giây Tân Phú: Tại đây

    Chốt phương án đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc Dầu Giây Tân Phú như thế nào?

    Chốt phương án đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc Dầu Giây Tân Phú như thế nào? (Hình từ Internet)

    Dự án PPP có thể thực hiện theo các hình thức hợp đồng nào?

    Các dạng hợp đồng cụ thể của PPP được quy định tại Điều 45 Luật Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 được sửa đổi bởi điểm a khoản 12 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 trong đó có 6 dạng hợp đồng chính, tùy từng dạng hợp đồng có những đặc điểm riêng biệt, hợp đồng dự án PPP được chia thành hai nhóm cụ thể là:

    Nhóm thứ nhất bao gồm những hợp đồng dự án áp dụng cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng hoặc tổ chức bao tiêu sản phẩm, dịch vụ công hoặc áp dụng hình thức kinh doanh khác theo quy định của pháp luật, bao gồm:

    - Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (Build - Operate - Transfer, sau đây gọi là hợp đồng BOT), là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước

    - Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (Build - Transfer - Operate, sau đây gọi là hợp đồng BTO), là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; sau khi hoàn thành xây dựng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng cho Nhà nước và được quyền kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định;

    - Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (Build - Own - Operate, sau đây gọi là hợp đồng BOO), là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, sở hữu, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng

    - Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (Operate - Manage, sau đây gọi là hợp đồng O&M), là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng

    Nhóm thứ hai bao gồm những hợp đồng dự án mà Nhà nước sẽ thanh toán dựa theo chất lượng sản phẩm, dịch vụ công:

    - Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (Build - Transfer - Lease, sau đây gọi là hợp đồng BTL), là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và chuyển giao cho Nhà nước sau khi hoàn thành; được quyền cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trên cơ sở vận hành, khai thác công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định; cơ quan ký kết hợp đồng thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP;

    - Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (Build - Lease - Transfer, sau đây gọi là hợp đồng BLT), là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trên cơ sở vận hành, khai thác công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định; cơ quan ký kết hợp đồng thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước

    Còn một loại hợp đồng nữa được hình thành dựa trên cơ sở là sự kết hợp giữa các loại hợp đồng BOT, BTO, BOO, O&M, BTL, BLT được gọi là hợp đồng hỗn hợp.

    Như vậy, tùy vào từng lĩnh vực, sẽ có những loại hợp đồng áp dụng khác nhau để phù hợp với mỗi dự án PPP.

    Các bên khi tham gia ký kết hợp đồng dự án PPP có được phép điều chỉnh thời hạn hợp đồng không?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 51 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 có quy định như sau:

    Điều 51. Thời hạn hợp đồng dự án PPP
    1. Thời hạn hợp đồng do các bên thỏa thuận căn cứ vào quyết định phê duyệt dự án và kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
    2. Các bên ký kết hợp đồng được điều chỉnh thời hạn hợp đồng nhưng bảo đảm tổng thời hạn hợp đồng, bao gồm thời gian điều chỉnh không vượt quá thời hạn giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không làm thay đổi các nội dung khác của quyết định chủ trương đầu tư dự án.
    3. Các trường hợp điều chỉnh thời hạn hợp đồng bao gồm:
    a) Chậm trễ hoàn thành giai đoạn xây dựng hoặc gián đoạn trong quá trình vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự vượt quá tầm kiểm soát hợp lý của một bên;
    b) Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Nhà nước đình chỉ dự án, trừ trường hợp phải đình chỉ do lỗi của doanh nghiệp dự án PPP;
    c) Chi phí gia tăng phát sinh do yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng chưa được xác định khi ký kết hợp đồng và nếu không được gia hạn thì doanh nghiệp dự án PPP không thể thu hồi các chi phí này;
    d) Khi có sự thay đổi về quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan làm giảm doanh thu dưới 75% so với mức doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng;
    đ) Khi doanh thu tăng từ 125% trở lên so với mức doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng.

    Theo đó, các bên khi tham gia ký kết hợp đồng dự án PPP sẽ được điều chỉnh thời hạn hợp đồng nhưng bảo đảm tổng thời hạn hợp đồng, bao gồm thời gian điều chỉnh không vượt quá thời hạn giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không làm thay đổi các nội dung khác của quyết định chủ trương đầu tư dự án.

    Trần Thị Thu Phương
    Từ khóa
    Cao tốc Dầu Giây Tân Phú Trạm dừng nghỉ trên cao tốc Dầu Giây Tân Phú Cao tốc Dầu Giây Dự án PPP Ký kết hợp đồng dự án PPP
    8